Non nước Việt Nam

Độc đáo rối nước vùng quan họ

Cập nhật: 16/02/2012 15:06:25
Số lần đọc: 1797
Rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo thể hiện đời sống văn hóa của nhân dân, được tạo bởi 4 yếu tố: con rối, nghệ thuật của người điều khiển con rối, dàn nhạc và nhà thủy đình. Đối với phường rối nước Đồng Ngư (Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh), chính sự kết hợp hài hòa của những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm cùng với những tích trò độc đáo đã tạo nên nét riêng có của làng nghề truyền thống này.
Với hơn 10 thế kỷ tồn tại và phát triển, đến nay, Đồng Ngư là một trong 14 phường rối nước còn tồn tại và hoạt động trong cả nước. Rối nước là môn nghệ thuật lấy động tác của con rối làm ngôn ngữ diễn đạt, gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa và phản ánh đời sống của nhân dân nên được đông đảo người ưa chuộng. Với Đồng Ngư, hát quan họ trong các tích trò đã tạo nên sắc thái riêng của rối nước làng này.

Với mỗi phường rối, sự đa dạng, độc đáo, riêng có của mỗi tích trò chính là cái hồn, cốt của mình. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phát triển của đất nước, đến nay rối nước Đồng ngư vẫn giữ được 15 tích trò truyền thống, trong đó có hai tích trò tiêu biểu cho vùng quan họ là: Hái cau mời trầu và Quan họ màn giã bạn. Chia sẻ với chúng tôi về hai tích trò đặc sắc này, anh Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư cho biết: Đây là hai tích trò tiêu biểu của phường. Đi biểu diễn khắp nơi mang theo bản sắc quê hương, những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm đang và sẽ góp phần quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh, làm cho làn điệu này ngày càng lan tỏa. Sự kết hợp hài hòa giữa những điệu nhạc, câu quan họ và nghệ thuật truyền thần cho những con rối đã thể hiện được tâm tình của người dân lao động nói riêng và người dân Kinh Bắc nói chung.

Có đến xem, tận mắt chứng kiến những chú rối thân gỗ tưởng như vô hồn nhưng lại "biết" trèo lên cây, hái cau đưa cho liền chị têm trầu, sau đó những liền anh, liền chị bằng con rối, liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba, mớ bẩy, nón thúng quai thao mời trầu khán giả mới thấy hết cái tình, cái hiếu khách của người quan họ. Đối với người quan họ, tục mời trầu có ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Trầu này trầu quế, trầu hồi

Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình

Trầu này trầu tính, trầu tình

Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta

Trầu này têm tối hôm qua

Giấu cha, giấu mẹ mang ra mời chàng.

Những buổi biểu diễn của phường rối Đồng Ngư bao giờ cũng vậy, sau màn giới thiệu của Tễu giáo đầu là tới ngay tích Hái cau mời trầu. Anh Lai cho biết, theo quan niệm của người Kinh Bắc, văn hóa mời trầu là thay cho lời chào và kết thúc bằng Quan họ màn giã bạn. Bắt nguồn từ mong muốn đáp lại sự quan tâm của khán giả đối với phường rối nên tích trò này ra đời và ngày càng phát triển.

Tính độc đáo của rối nước Đồng Ngư khiến ai đã xem một lần sẽ không bao giờ quên được. Chỉ cần xem qua các tích trò cũng phần nào hiểu được đời sống tinh thần của người dân miền quan họ. Anh Lai cho biết thêm, điều vui nhất trong những chuyến đi biểu diễn của anh là sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Nhờ sự độc đáo đó nên trong các cuộc thi liên hoan múa rối nước toàn quốc, rối Đồng Ngư luôn đoạt giải A với hai tích trò truyền thống.

Hiện nay, tuy các nghệ nhân trong phường rối nước Đồng Ngư phần lớn đều cao tuổi (người ít tuổi nhất cũng đã 41), nhưng không vì thế mà lòng yêu nghệ thuật đối với họ lại giảm đi. Trong tiết trời xuân lạnh lẽo, nhưng với bộ quần áo biểu diễn chống nước, các nghệ nhân sẵn sàng đi tới bất cứ nơi đâu khi có người yêu nghệ thuật múa rối. Ông Nguyễn Bá Quảng (78 tuổi), hiện nay là người cao tuổi nhất trong phường rối vừa cho biết: trước đây các cụ không cần công cụ hỗ trợ cũng làm “sống” lại loại hình này, giờ đây có nhiều điều kiện hơn, chúng tôi càng phải đưa rối nước miền quan họ đi xa hơn nữa. Những người giữ nghề nơi đây sẵn sàng ngụp dưới cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông, hay đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè để mang tới khán giả những màn biểu diễn hay nhất.

Anh Lai khẳng định: cùng với quan họ, dựa vào quan họ, người Đồng Ngư sẽ đưa rối nước cùng trường tồn và lan tỏa, nếu còn người yêu quan họ thì làng rối nước Đồng Ngư còn phát triển. Ngày nay, cùng với niềm đam mê nghệ thuật múa rối, những nghệ nhân nơi đây đã và đang mang tên Đồng Ngư khắp miền đất nước, không chỉ ở riêng đồng bằng Bắc bộ nhỏ bé nữa; thường mỗi năm phường rối đi biểu diễn 40 lần.

Hiện nay, các nghệ nhân phường rối nước Đồng Ngư đang hoàn thành chương trình múa rối nụ cười trẻ thơ với 10 tích trò như: Chú mèo con, Chú voi con ở bản Đôn… cùng các chương trình phụ họa là bài hát của trẻ con nhằm hun đúc cho các cháu nhỏ có hiểu biết về nghệ thuật văn hóa dân gian ngay từ khi còn trẻ, giữ cho múa rối nước thực sự được sống trong tâm thức trẻ thơ. Không chỉ công tác biểu diễn mà công tác truyền nghề cũng thường xuyên được các nghệ nhân trong làng chú trọng. Với mỗi người có niềm đam mê, có tâm với nghề rối, các nghệ nhân trong phường sẵn sàng truyền dạy. Theo anh Lai, một người muốn điều khiển thành thạo con rối phải mất 500 giờ đồng hồ miệt mài, nhưng muốn học được những thao tác tối thiểu nhất để điều khiển con rối chỉ cần 12 tiếng đồng hồ vì múa rối đơn thuần là tái hiện cuộc sống sinh hoạt của nhân dân như đánh đu, em bé chăn trâu thổi sáo, vó cá tôm…Sự thành công của rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình con rối, hành động làm trò đóng kịch của nó.

Không chỉ bảo tồn và phát triển những tích trò cổ, qua những lần đi biểu diễn, rối nước Đồng Ngư còn luôn sáng tạo ra những tích trò mới phù hợp tâm lý người xem, mang đến vẻ vui tươi thoải mái cho khán giả, như trò Đám cưới chuột, Vòng lửa. Anh Lai cho biết thêm, múa rối tuy dễ học nhưng nếu không có chiến lược bảo tồn và phát triển khi những tích trò cổ mất đi, những tích trò mới không có, không còn những cái riêng của múa rối quê mình thì nguy cơ mai một là rất lớn.

Khó khăn nhất đối với các nghệ nhân rối nước Đồng Ngư là môi trường làng nghề đã thay đổi. Chính cuộc sống mưu sinh đã thu hút những người trong làng nghề rối nước truyền thống chuyển sang nghề thu gom phế liệu, khiến cho khung cảnh làng nghề rối ảnh hưởng, khách du lịch không còn muốn tới Đồng Ngư. Anh Lai tâm sự: có lần có đoàn du lịch muốn xem biểu diễn rối nước tại làng Đồng Ngư, nhưng khi biết nơi đây có thu gom phế liệu thì chuyện đó lại trở nên xa vời. Hiện nay, tuy Đồng Ngư là làng nghề rối nước truyền thống, nhưng chính nghệ nhân vẫn chưa tự tạo được con rối riêng cho mình, hầu hết phải mua từ bên ngoài nên không chủ động trong việc sáng tạo các tích trò.

Phường rối hy vọng, cùng với dự án phát triển du lịch từ lăng Kinh Dương Vương đến Đền Đô, rối nước Đồng Ngư sẽ được các du khách biết đến nhiều hơn./. 

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT