Non nước Việt Nam

Vùng văn hóa Xứ Lạng

Cập nhật: 04/01/2012 14:04:18
Số lần đọc: 1960
Nằm ở miền Ðông Bắc của Tổ quốc, hàng trăm năm nay, Xứ Lạng trở thành một địa danh nổi tiếng, với cảnh đẹp thơ mộng cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa.
Múa sư tử trong ngày hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn
Và hôm nay, trên vùng đất này, Ðảng bộ, chính quyền và quân, dân Lạng Sơn đang đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gìn giữ và phát huy bản sắc độc đáo của một vùng văn hóa...

Từ Hà Nội đi qua hơn 150 km trên quốc lộ 1A, đã thấy thành phố miền biên giới đón chào quý khách bằng tấm biển lớn: Thành phố Lạng Sơn đón chào quý khách. Ðường vào thành phố rộng rãi, phong quang, hai bên treo đèn, cắm cờ, hoa, băng-rôn, áp-phích,... với đủ sắc mầu, trên in đậm dòng chữ "Mừng Ðảng - Mừng Xuân - Mừng đất nước", "Chào mừng kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn". Xứ Lạng đã ghi đậm dấu ấn vào tâm thức dân tộc, nổi tiếng với câu ca dao: Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh... Trong quá khứ, miền đất này đã là nơi quần tụ nhiều dân tộc anh em. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng nghìn năm qua, Lạng Sơn là một trong các địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc. Hơn nửa thế kỷ trở về đây, Lạng Sơn được gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa cách mạng của đất nước.

Chiều xuống, khi cái lạnh càng lúc càng thấm buốt hơn, như thấu vào xương, nhà thơ Mã Thế Vinh đưa chúng tôi tham quan Khu di tích Thành nhà Mạc, rồi đến khu di tích thắng cảnh Nhị Thanh, Tam Thanh... đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia. Bên sườn Thành cổ Lạng Sơn, nghe nhà thơ Mã Thế Vinh say sưa kể chuyện Lạng Sơn mang tâm thế là một vùng văn hóa đặc sắc, đa dạng về các di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể và đặc biệt nơi đây còn tiềm ẩn nhiều cổ vật, di vật quý giá chưa được khai phá. Hằng năm vào dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn tưng bừng nô nức tổ chức lễ hội Lồng tồng - xuống đồng, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Theo tập quán văn hóa của người Xứ Lạng thì trong ngày hội, những câu ca dao, những làn điệu sli, những câu hát lượn của các chàng trai, cô gái các dân tộc Tày, Nùng được truyền từ đời này qua đời khác vừa có ý nghĩa làm phong phú đời sống tinh thần thẩm mỹ của nhân dân, vừa như cầu nối se duyên tác thành những lứa đôi...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Hoàng Văn Páo cho biết: "Nền tảng văn hóa dân tộc tự nó hội tụ đủ "tâm, trí, lực" và khả năng sáng tạo của người dân, đồng thời chính là chỗ dựa tinh thần để từ đó mọi người tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai Quy ước văn hóa mới ở Lạng Sơn thời kỳ đầu gặp khá nhiều khó khăn, bởi vướng phải một số hủ tục lạc hậu đã tồn tại bao đời nay. Nhưng với phương châm "mưa dầm, thấm lâu", các chi bộ đảng cùng hội cựu chiến binh, hội Phụ nữ, các già làng, trưởng bản,... đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục một cách cụ thể, sâu rộng đến từng thôn, bản vùng sâu, vùng xa, để mọi người dần nắm bắt và thấu hiểu rồi tự giác thực hiện. Ðến nay, hầu như mọi người dân ở Lạng Sơn đều nhận thấy lợi ích thiết thực của việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, từ đó nghiêm túc chấp hành. Tìm hiểu về việc này, chúng tôi được biết, việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, đời sống văn hóa - kinh tế của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Hiện Lạng Sơn chiếm rất ít hộ nghèo theo tiêu chí mới, số hộ giàu tăng nhanh, 70% số hộ có xe máy, 80% số hộ dân được ngói hóa nhà ở; 79 cơ quan, đơn vị của tỉnh đạt danh hiệu "Cơ quan, đơn vị văn hóa"; 195 gia đình nông dân đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc"... Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Văn Páo cho biết thêm, đạt được thành tích như vậy là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Ðảng và Nhà nước; sự nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Từ đó đã cổ vũ, đưa phong trào đến tận các bản, làng. Ðó cũng là điều nguyên Chánh văn phòng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn Vi Quốc Chủ chia sẻ với chúng tôi: "Nhờ thực hiện tốt Quy ước bản, làng văn hóa, khu phố văn hóa, cho nên người bệnh được đến trạm y tế khám bệnh và phát thuốc miễn phí, trẻ em đến tuổi được đi học, không còn tập tục mời thầy mo về cúng cho người bệnh. Ngoài ra, các già làng, trưởng bản còn khích lệ nhân dân đóng góp ngày công, các nhà hảo tâm góp tiền xây dựng nhà cho hộ đặc biệt nghèo, điểm bưu điện - văn hóa xã, thôn, trường tiểu học. Ðội văn nghệ nghiệp dư ở các huyện thường xuyên về tận làng, bản biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới". Chúng tôi được chứng thực điều này khi đến huyện Văn Lãng. Ðây là huyện có đường biên giới khá dài, nhiều làng, bản xa xôi, song đây lại là huyện đã thực hiện rất tốt Cuộc vận động xây dựng bản, làng văn hóa của tỉnh. Ðến nay, ở Văn Lãng có 100% số gia đình và thôn, bản đăng ký thực hiện Quy ước về nếp sống văn hóa mới. Khi đi trên con đường dọc trung tâm huyện lỵ, chúng tôi bắt gặp nhịp sống sôi động của một thị trấn miền núi đang trên đà khởi sắc. Hai bên đường là hàng cây cổ thụ xen lẫn những ngôi nhà cao tầng thơm mùi vôi mới; xa xa, bạt ngàn những đồi chè, nương lúa và cây hoa màu giữa bốn bề núi rừng. Ở Văn Lãng, hầu hết các xã đều có điện lưới quốc gia thắp sáng. Ðường giao thông từ thị trấn kết nối với hệ thống đường cấp phối đi nhiều ngả, tới tận những nơi xa xôi, hẻo lánh, vừa giúp người dân đi lại thuận tiện vừa tạo điều kiện để bà con giao lưu và trao đổi, qua đó góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của các địa phương trong huyện...

Từ TP Lạng Sơn, theo quốc lộ 4B về phía đông khoảng 30 km là dãy Mẫu Sơn (Lộc Bình), với đỉnh núi cao 1.541 m so mực nước biển. Ðỉnh Mẫu Sơn bao đời nay vẫn kiêu hãnh đứng sừng sững án ngữ phía bầu trời biên giới Ðông Bắc của Tổ quốc. Vào mùa hè, Mẫu Sơn bạt ngàn mầu xanh của núi rừng, của mây trời và đa dạng các loài chim muông. Còn khi mùa đông tới, có những ngày nhiệt độ xuống thấp, băng bám chặt trên lá cây, trên mọi nẻo đường, tuyết rơi trắng cả núi rừng, làng bản. Quốc lộ 4B mới được nâng cấp, rộng rãi và phẳng phiu. Nhớ mấy năm trước qua đây, đi đường thật vất vả, liên tiếp ổ gà, ổ trâu và bụi mù mịt. Giờ thì đường sá đã khác. Ðường lên đỉnh Mẫu Sơn rất nhỏ và phải men theo các sườn núi, chỉ vừa đủ lối đi cho một chiếc ô-tô bốn chỗ ngồi. Cua tay áo, gấp khúc liên tục, bên núi, bên vực. Hướng tầm mắt ra chung quanh, một mầu xanh hoang sơ, hùng vĩ thấp thoáng hình ảnh bà con người Tày, Nùng trên lưng địu con, địu rau quả đi nương rẫy về, cảnh sắc thiên nhiên hiện ra đẹp lung linh, huyền ảo. Xa xa, dưới thung lũng thăm thẳm, đây đó những nếp nhà sàn nép dưới tán rừng già. Càng lên tới gần đỉnh, trời càng lạnh hơn, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 5 đến 10oC. Từ đỉnh Mẫu Sơn, có thể phóng tầm mắt nhìn về phía TP Lạng Sơn, thành phố hiện ra như một bức tranh "sơn thủy hữu tình" với điểm nhấn là con sông Kỳ Cùng uốn lượn một mầu trắng tinh. Mẫu Sơn dãy núi cao nhất của Lạng Sơn, xưa nay được gọi là "nóc nhà chung và thế đứng của Lạng Sơn", đây cũng là điểm nhấn về du lịch - dịch vụ sinh thái của vùng Ðông Bắc với các đặc sản nổi tiếng, như rượu Mẫu Sơn, đào tiên, chè tiên, ếch hương, nước tắm thuốc của người Dao... Tương truyền, nơi xây dựng khu nghỉ mát Mẫu Sơn hiện nay, xưa kia là nơi sinh sống của đôi tiên nam nữ. Ngày hè nóng nực, họ thường theo dòng sông Kỳ Cùng tắm mát, khi đến đầu Núi Tượng - Khâu Luông, họ rủ nhau lên bãi cỏ chân núi phơi nắng mà làm ra "Giếng Tiên" lấy nước uống, nước tưới, tắm cho bà con dân bản. Dân bản nhớ ơn họ, bèn dựng đền thờ Song Tiên bên giếng nước. Nhưng theo thời gian, đền thờ đã bị hỏng, đồng bào chuyển vào hang động, lập nên ban thờ "Song Tiên tự" trong động Chùa Tiên ngày nay.

Lạng Sơn, vùng danh lam thắng cảnh núi rừng trùng điệp còn được khách du lịch biết đến với những câu chuyện như cổ tích, như huyền thoại, gắn liền với một số di tích lịch sử văn hóa - cách mạng nổi tiếng của dân tộc Việt Nam là Nhà sàn lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Chiến thắng đường 4B, Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khu di tích chống giặc ngoại xâm Ải Chi Lăng,... ghi dấu sự hy sinh anh dũng của lớp lớp cha ông xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chia tay Lạng Sơn trong tiết trời cuối đông, giữa núi rừng đại ngàn hùng vĩ, không khỏi bâng khuâng nghĩ đến những thế hệ đi trước, những công sức và cả hy sinh xương máu để gìn giữ đất nước, quê hương, chiến thắng đói nghèo, để cuộc sống ngày càng ấm no. Hôm nay đây, trong thời kỳ đổi mới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đang từng bước phát huy truyền thống ông cha xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày một văn minh, giàu đẹp.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT