Non nước Việt Nam

Độc đáo đình làng Đức Nghĩa, Bình Thuận

Cập nhật: 15/11/2011 08:40:34
Số lần đọc: 2575
Ngay từ thuở khai hoang lập ấp cho đến khi an cư lạc nghiệp, các bậc tiền bối không quên việc quan trọng phải làm là dựng đình. Vì vậy, tên đình bao giờ cũng gắn liền với tên làng. Đây là nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam.

Đình làng Đức Nghĩa - Phan Thiết trước đây được dựng ngay ngã tư đường Ngô Sĩ Liên, do ông Nguyễn Văn Bàn chủ trì việc xây cất vào năm Bính Ngọ (1846) bằng tranh lá đơn sơ. Đến đời Tự Đức năm Giáp Tý (1864) do yếu tố phong thủy nên ông Trần Văn Kim vận động dân làng dời đình về làng Thành Đức.

 

Đình tọa lạc trên mỏm phía bắc của đồi cát trắng động làng Thiềng, có khuôn viên rộng hơn ba ngàn mét vuông. Hướng đình quay về phía  tây, lệch bắc 15 độ, cũng là hướng nhìn ra sông Cà Ty.

 

Quần thể kiến trúc đình làng Đức Nghĩa hình chữ đinh (J), theo lối kiến trúc dân gian thời thế kỷ XVIII, XIX. Đối diện với đình từ tả sang hữu là nhà Tiền vãng, gian thờ Tiền hiền, đình thờ Thần bố trí thành hàng ngang. Nối liền đình thờ Thần về phía trước là nhà Võ ca. Toàn bộ nóc đình đều lợp ngói âm dương, nền lát gạch Bát Tràng. Tường được xây bằng đá, vôi vữa vững chắc. Kỹ thuật chạm trổ cũng như các họa tiết trang trí ngoại thất, nội thất thể hiện một cách sắc sảo, mềm mại, chứng tỏ tài nghệ của các nghệ nhân xưa. Từ lúc tạo dựng đến nay, dù đã trải qua nhiều lần tu bổ nhưng toàn bộ công trình đình làng Đức Nghĩa vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn những đường nét cổ kính giữa một không gian đô thị hiện đại.

 

Các vì kèo trong nhà Võ ca được chạm khắc, gờ chỉ 6 cạnh mềm mại. Con đội được tạo dáng với phần thân hình quả bầu, đặt trên chân đế có hình con chim đang tung cánh, thân đế khắc các vân xoắn nổi lên như những bông hoa đang nở. Nối với hai con đội là thanh xà cò với dòng chữ: Tự Đức Giáp Tý mạnh hạ cốc đán tạo (Tạo ngày tốt tháng tư năm Giáp Tý Tự Đức). Hai đầu thanh xà cò khắc nổi đầu hai con giao long khá sắc sảo.

 

Trong khuôn viên đình làng Đức Nghĩa có hai ngôi mộ của hai bậc tiền hiền là Nguyễn Văn Bàn và hậu hiền Nguyễn Văn. Hai ngôi mộ này trước đây ở chùa Ngọc Cát (tên gọi khác là chùa Cốc). Ngoài các gian thờ còn có miếu thờ Sơn Quân. Tại sao có miếu thờ Sơn Quân, tức chúa Sơn Lâm? Vùng đất Trung bộ xưa kia có rất nhiều cọp, người dân chỉ dám gọi là ông Hổ. Theo truyền thuyết, người ta thờ Sơn Quân để phù hộ và tạo niềm tin cho người đi khai hoang, lập ấp. Truyền thuyết cho rằng không làng nào dám cử chức Hương Cả là chức vụ đầu làng. Chức vụ này phải nhường cho Sơn Quân còn con người chỉ làm chức vụ thứ nhì là Hương Chủ. Hàng năm dân làm lễ bầu ông, dâng cúng cho ông Cả Cọp đầu và đuôi thủ vĩ heo và một tờ cử hương chức. Tục truyền, năm sau ông về nhận tờ cử mới, trả tờ cử cũ.

 

Đình làng Đức Nghĩa có nhiều bức hoành phi, câu đối bằng chữ Hán, đặc biệt có 17 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn từ Tự Đức năm thứ 7 (1854) đến vua Khải Định thứ 9 (1924). Đình hiện còn lưu giữ 3 tờ chiếu, dụ viết trên giấy lụa màu vàng, dai bền, kích thước 1,50m x 0,50m có vẽ rồng ẩn trong mây kèm chữ thọ, hạt châu… xung quanh viền hoa văn. Một tờ đề ngày 12 tháng 11 năm Gia Long nguyên niên (1802) và hai tờ đề ngày 17 tháng 2 năm Tự Đức thứ 27 (1874). Ngoài ra còn có một số công văn, giấy tờ báo cáo tình hình quân sự tại tỉnh Bình Thuận của một viên quan họ Châu dưới triều Gia Long, khoảng 200 trang.

 

Trong 17 sắc phong hiện còn lưu giữ tại đình làng Đức Nghĩa có 3 đạo sắc phong cho Văn Khánh hầu Thành hoàng tôn hầu, Cẩn Ma La Thành hoàng tôn thần và  Ma Yết hầu Thành hoàng tôn thần là khác biệt trong hệ thống thờ phụng tín ngưỡng của cư dân Phan Thiết. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường trong Đình làng Nam bộ xưa và nay, Văn Khánh hầu Thành hoàng Đại vương có thể là một vị thần người Việt thờ chung với vị thần người Chăm như Ma Ha Cẩn, Sơn Yết, Ma Khẩn. Đây là trường hợp phúc thần hoặc Thành hoàng  là gốc nhân thần được người Việt  đưa từ vùng ngoài vào thờ ở đình làng Nam bộ.

 

Một trong những bậc tiền hiền đình làng Đức Nghĩa là ông Nguyễn Thành (Nguyễn Văn Thành) được vua ban là Ngọc Hoán. Trên văn bia ghi rõ ông vốn làng Thành Đức, tính tình cương trực, giỏi biện luận, gặp việc dám nói thẳng, không hùa theo kẻ xấu. Theo bài văn bia, ông đậu cử nhân khoa Kỷ Dậu đời vua Thiệu Trị (1849), đúng ra là đời vua Tự Đức vì vua Thiệu Trị băng hà năm 1847. Ông có thời gian làm Bố Chánh tỉnh Quảng Bình, sau ông xin về quê mộ dân lập ấp. Ông mất ngày 26 tháng 5 năm Bính Tuất  đời vua Đồng Khánh (1886) tại quê nhà, không có con nối dõi bà kế thất của ông lập cháu mình là Khuê làm con để kế tự.

 

Đình làng Đức Nghĩa còn là cơ sở Việt Minh thời kháng Pháp. Năm 1991 được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT