Non nước Việt Nam

Tái hiện lễ hội ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Cập nhật: 24/11/2011 09:27:38
Số lần đọc: 2119
Ngày 23/11, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hội ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai (Ninh Thuận) đã được tái hiện sinh động với sự tham dự của đồng bào các dân tộc thiểu số và du khách.

Thầy cúng (quấn khăn trắng) thực hiện nghi thức cúng mừng lúa mới

Từ tờ mờ sáng, tại khu làng của cộng đồng Raglai đã nhộn nhịp người ra kẻ vào tất bật chuẩn bị lễ hội ăn đầu lúa mới đầu tiên của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Phụ nữ thì chuẩn bị đồ lễ, đàn ông thì sửa sang lại nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Không khí đón mừng lúa mới rộn ràng khắp khu làng, trong mỗi nhà sàn của người Raglai.

 

Khác với các dân tộc khác, lễ hội ăn đầu lúa mới của người Raglai bắt buộc phải có con gà, gạo, thóc, ngô, trầu cau và rượu cần. Đây là những lễ vật, con cháu Raglai dâng lên báo với tổ tiên thành quả một năm lao động vất vả và cầu xin tổ tiên phù hộ cho mùa màng năm mới làm ăn khấm khá hơn, gia đình mạnh khỏe.

Gạo, thóc, ngô, trầu cau... là những thứ không thể thiếu trong lễ cúng

Một điểm rất đặc biệt không thể không nhắc đến trong lễ hội ăn đầu lúa mới của người Raglai, đó là lửa. Ngoài các lễ vật, trên mâm lễ cúng phải có lửa. Nếu tiếng khèn bầu, mả la (diều) được xem như lời mời bà con dân bản đến chung vui cùng gia đình thì lửa được xem là “vật thiêng” mời ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới.

 

Sau khi thầy cúng đã dâng lời cầu khấn sức khoẻ, bình an, mùa màng bội thu, những bát rượu được người Raglai chuyền tay nhau uống cạn. Rượu phải cạn thì người trong gia đình mới khỏe mạnh, cuộc sống mới hạnh phúc.

Già làng Pô A Lê Soai cho biết: Theo phong tục của cha ông truyền lại, sau khi thu hoạch mùa màng xong thì đều phải tổ chức lễ hội ăn đầu lúa mới. Năm nào cũng phải làm, bởi đó là bản sắc của mình nên phải làm. Nếu không làm lỡ trục trắc sau này bệnh đau sẽ khổ… 

Những bát rượu được chuyền tay nhau uống cạn

Cũng theo Già làng Pô A Lê Soai, phong tục xưa hễ nhà nào thu hoạch lúa mẹ và mùa vụ xong là có thể ăn mừng lúa mới trước, nhà nào thu hoạch chậm hơn thì ăn sau, có thể ăn mừng lúa mới vào bất cứ ngày nào. Vì thế, trong những tháng cuối năm, bản làng Raglai luôn rộn ràng không khí lễ mừng lúa mới, ngày nào cũng có gia đình lên rẫy rước Giàng, chúc tụng nhau bên ché rượu cần, từ ngày này qua ngày khác, từ nhà này qua nhà khác rất đông vui.

Chia sẻ khi lần đầu tiên được về với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam và tổ chức lễ hội ăn đầu lúa mới trong Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em, các thành viên của cộng đồng Raglai đều rất vui và xúc động. “Không nghĩ rằng làng mình ở Thủ đô lại to đẹp thế”, nghệ nhân Katơr Thị Nép bộc bạch.

Khác với những lần tổ chức tại địa phương, năm nay cộng đồng người Raglai có mặt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chỉ tổ chức một lễ ăn mừng lúa mới chung cho cả cộng đồng. Bà Hoàng Thị Được, một du khách ở Thanh Hóa nói: Được xem đồng bào tổ chức lễ hội thấy rất vui. Đến Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thấy cứ mỗi dân tộc có một “thủ tục” khác nhau, mỗi một dân tộc lại vui khác nhau.

... và cùng nhau nhảy múa
Tái hiện lễ hội ăn đầu lúa mới của cộng đồng dân tộc Raglai (Ninh Thuận) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là hoạt động đặc sắc, mang đậm tính nhân văn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết 54 dân tộc anh em, qua đó giúp du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về phong tục, tập quán các dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Langvietonline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT