Non nước Việt Nam

Độc đáo ẩm thực dân tộc Mường, Hòa Bình

Cập nhật: 01/08/2011 14:26:53
Số lần đọc: 3778
Trước đây, người Mường thường dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và săn bắt, hái lượm làm nguồn cung cấp thức ăn chính. Trong các loại cây trồng, lúa vẫn được xem là loại cây lương thực chủ lực bên cạnh ngô, khoai, sắn.

Hình ảnh

Trong bữa ăn hàng ngày của người Mường, cơm nếp được sử dụng thường xuyên, không chỉ bởi mục đích no bụng thông thường mà còn bới giá trị dinh dưỡng vốn có của nó, lại dễ ăn và còn có thể thay thế thức ăn trong điều kiện khó khăn và khan hiếm các nguồn thực phẩm hàng ngày như thịt, cá, mỡ, dầu. Do vậy, lúa nếp là loại cây được người Mường trồng nhiều hơn lúa tẻ. Cơm tẻ thường chỉ được sử dụng trong những dịp quan trọng như khẩu phần dành cho người già, dành cho khách quý hoặc cho phụ nữ những dịp sinh nở, thai nghén. Người Mường có các giống lúa nếp khá nổi tiếng như: nếp Quả Oàng, nếp TrLông, nếp Khe, Nếp Cú Poột, nếp Bản, nếp Ôi, nếp Boóng, nếp Diệu Hương. Các loại nếp này không chỉ giàu dinh dưỡng đối với bữa ăn của người Mường mà còn trở nên khá quen thuộc và phố biến trong khẩu vị của nhiều dân tộc anh em khác trên địa bàn Hòa Bình và một số tỉnh vùng Tây Bắc.

 

Bên cạnh việc trồng cây lương thực chính là ngô, lúa, người Mường còn chăn nuôi gia súc để tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cho các bữa ăn. Các con vật nuôi của người Mường đa số được thả rông: trâu, bò được thả vào rừng, gà, vịt được thả quanh quẩn trong sân, vườn quanh nhà.

 

Rau ăn hàng ngày được hái từ trong rừng và vườn nhà. Bằng kinh nghiệm tích lũy từ bao đời, người Mường biết được hàng chục loại rau rừng, ngon nhất là rau khắng. Các loại măng rừng như: măng mai, măng tre, măng nứa, măng vầu, măng bương cho người Mường rau ăn quanh năm. Sông, suối không chỉ cung cấp nước tưới cho nương ruộng mà còn là nguồn cung cấp thủy sản cho buôn làng. Tôm, cua, cá, ốc là nguồn thực phẩm hàng ngày của dân bản. Ngoài ra, người Mường còn hoạt động săn bắt, hái lượm, khai thác các nguồn lợi thiên nhiên nhằm bổ sung nguồn thức ăn.

 

Với kỹ thuật canh tác trồng lúa, người Mường từ xa xưa đã hình thành tập quán ăn cơm gạo. Người Mường thường dùng bữa sáng trước khi đi làm nương rẫy, cơm được nắm thành những nắm nhỏ chấm với muối vừng và dùng bữa trưa sau khi đi làm nương về. Bữa tối của người Mường thường muộn hơn. Đặc biệt, bữa trưa và bữa tối của người Mường bao giờ cũng có thêm rau và thức ăn. Cơm nếp được đồ chín trong một cái hông gỗ bắc trên nồi đáy bằng nhôm và bằng nan tre. Giữa hông và nồi đáy là một vòng rơm bện to như ống nứa vừa giữ kín cho cơm chín vừa cho nồi hông được chặt. Đồ nấu nướng, gia dụng của người Mường đều dượ làm từ tre, gỗ là các sản phẩm đặc biệt của núi rừng: hông đồ cơm bằng gỗ, ống nấu rau bằng tre, ống đựng đũa bằng tre, đũa bằng tre, mâm bằng tre…

 

Trong dịp hiếu hỉ, lễ lớn, gia đình người Mường thường mổ lợn. Con lợn được chế biến thành 4 món:

-         Thịt luộc: gồm thủ lợn và một ít thịt luộc

-         Lòng lợn: gồm tim, gan, cật, ruột, dạ dày luộc

-         Chả que: thịt sườn nướng

-         Chả lá bưởi: sụn, xương mềm băm nhỏ bọc lá bưởi, nướng

 

Nước luộc thịt cho măng hoặc rau vào làm thành món canh.

 

Khi có khách hoặc những ngày có việc trong phạm vi gia đình, người Mường thường mổ gà, vịt làm thành món luộc và món canh nấu với măng chua.

 

Vào dịp Tết cơm mới, người Mường làm các món ăn đặc sản như đĩa quéch, ngách lưỡi, ốc cá. Tất cả các món này phải đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên trước khi ăn để tỏ lòng hiếu thảo và sự no đủ của con cháu.

 

Hàng ngày, đàn ông Mường đều uống rượu. Họ có thể uống trong và ngoài bữa ăn. Rượu uống trong bữa ăn là rượu cất, nồng độ nặng hơn. Rượu uống vui đông người là rượu cần, nhẹ hơn, thường được uống ngoài bữa ăn.

 

Nước uống hàng ngày của người Mường là những nước lá cây mát đã được chọn lọc kỹ lưỡng qua bao đời nhưng chủ yếu vẫn là nước chè hay nước vối.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT