Non nước Việt Nam

Lễ ăn heo ký của người Chăm H’roi

Cập nhật: 27/07/2011 09:58:03
Số lần đọc: 2688
Lễ ăn heo ký (Quai: Bưng P’pui ký) là một trong những nghi lễ đặc sắc về vòng đời của người Chăm H’roi ở Vân Canh. Bắt nguồn từ đứa con nhỏ mới sinh ra nhưng đau ốm, bệnh tật, khó nuôi, lúc đó, cha mẹ ruột của đứa trẻ sẽ nhờ bà con thân thuộc của mình làm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ (tiếng Chăm H’roi gọi là: ma pzo; mj pzo)…

Thủ tục làm lễ nhận cha (mẹ) nuôi phải cúng phép và người được chọn phải cột chỉ lên tay đứa trẻ. Nếu trong 3 ngày mà chỉ đứt thì có nghĩa là đứa trẻ không nhận được người đó làm ma pzo, mj pzo. Khi ấy cha mẹ ruột của đứa trẻ sẽ tìm người khác để thay thế. Nếu sợi chỉ không bị đứt thì có nghĩa là đứa trẻ đã nhận. Lúc đó, họ sẽ mời Yàng và Mẹ Phương Mẫu đến chứng giám lễ nhận cha (mẹ) nuôi.

 

Trước đó, gia đình chọn một con heo đực đã thiến trong chuồng ký gửi với ma pzo, mj pzo. Thời gian ký gửi thường là 3 năm nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn vì còn tùy vào con heo sống hay chết. Trước ngày tổ chức Quai: Bưng P’pui ký, cha mẹ ruột đứa trẻ phải đi tết và ở lại nhà ma pzo, mj pzo một đêm. Lễ tết gồm: trứng vịt, bánh tráng, gạo. Khi ấy, mj pzo của đứa trẻ cũng chuẩn bị một bộ quần áo mới, một cái nồi đồng để làm quà tặng cho con.

 

Thông thường, Quai: Bưng P’pui ký được tổ chức vào đêm trăng sáng, khi đứa trẻ đã được 16 tuổi. Lễ vật cho Quai: Bưng P’pui ký gồm có: 3 ghè rượu, một con heo, một cái khót (giống như cái chén, thường làm bằng đồng), một cái nồi đồng, một bộ đồ mới, một sợi dây cườm…Đến giờ hành lễ, thầy cúng (tiếng Chăm H’roi gọi là: Oi quai) vừa khấn vừa vãi gạo với ngụ ý: kêu gọi thần linh về chứng giám. Lời khấn có nội dung như sau: “Ơi Yàng, ơi Mẹ Phương Mẫu ! Hãy về đây chứng giám công ơn sinh đẻ chín tháng mười ngày, được thần linh phù hộ, chở che. Nay con trai của chúng tôi đã khỏe mạnh, to lớn như trái núi sừng sững, mạnh như con suối chảy xiết, bay cao như con chim Ktang vỗ cánh…”.

 

Sau lời cúng, Oi quai sẽ tung 2 đồng tiền để xin keo. Nếu 2 đồng tiền có mặt âm và dương thì có nghĩa là Yàng và Mẹ Phương Mẫu đã đồng ý. Nếu 2 đồng tiền có cùng mặt âm hoặc mặt dương thì có nghĩa là chưa đồng ý, phải làm lại. Sau đó, Oi quai cầm lấy con dao đã được đặt lên đầu con heo, cắt 2 miếng thịt rồi đưa cho mj pzo và đứa trẻ ăn phép. Khi mj pzo và đứa trẻ ăn xong miếng thịt heo, Oi quai lấy sợi dây màu đỏ buộc vào tay mj pzo và đứa trẻ, sau đó họ cùng nhau bưng lễ vật đi vào trong nhà để nấu chín con heo đó, chuẩn bị làm thủ tục cúng kế tiếp. Điều này có nghĩa rằng: tình thân luôn được gắn kết lâu dài, đồng thời cầu sự may mắn cho 2 mẹ con. Tiếp theo, Oi quai lấy đĩa lòng heo ra sau nhà để cúng ông Chuồng, bà Máng, vì đã nuôi nấng con heo to lớn để hôm nay gia đình có dịp tiếp đãi bà con buôn làng. Oi quai cũng lấy thêm một đĩa thịt để cúng tạ những linh hồn đã mất với sự trân trọng và nhớ ơn vì theo quan niệm của người Chăm H’roi thì: chết không phải là hết mà là luân hồi sang vòng đời khác. Tiếp theo Oi quai lại làm phép xin keo. Khi xin keo, Oi quai bước đến án cúng lấy sợi chỉ bông buộc lên đầu con heo rồi giăng chỉ lên đầu của mj pzo và đứa trẻ. Oi quai lại lấy đèn sáp ong đốt từng đoạn chỉ đã giăng. Động tác này có ý nghĩa nói tới ân đức của người mj pzo. Nếu sợi chỉ cháy thì ân đức của mj pzo tốt, nếu sợi chỉ không cháy thì có ý nghĩa ngược lại.

 

Ngày nay, Quai: Bưng P’pui ký ở người Chăm H’roi đã giản đơn và tiết kiệm hơn để phù hợp với cuộc sống hiện tại, nhưng vẫn không mất đi ý nghĩa tốt đẹp và nét văn hóa dân gian vốn có của nó.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT