Non nước Việt Nam

Lễ cầu mùa trong dân ca Tây Nguyên

Cập nhật: 08/07/2011 14:50:29
Số lần đọc: 3027
Mỗi dân tộc Tây Nguyên có tiếng nói khác nhau, phong tục khác nhau nhưng cùng sống bằng nghề nương rẫy nên họ có một số phong tục giống nhau. Một trong những tập tục giống nhau của người Tây Nguyên là làm lễ cầu mùa.

Lễ cầu mùa của các dân tộc Tây Nguyên có nét cơ bản giống nhau là đều có rượu cần, thức nhắm để sau khi tế lễ thì các thành viên trong cộng đồng cùng nhau chung vui bước vào mùa phát rẫy, tra hạt. Thông thường, lễ cầu mùa của người Tây Nguyên được cử hành vào trước mùa mưa, có thể là trước khi phát rẫy làm nương, hoặc trước khi tra hạt. Nội dung của lễ cầu mùa chính là nỗi lòng ước vọng của con người về cuộc sống lao động sản xuất nương rẫy với những mùa bội thu cho cuộc sống đủ đầy quanh năm.

 

Hãy đến với nghi lễ trước khi phát rẫy làm nương của dân tộc Mạ:

 

“Bùi nhùi bẹ móc

Bọc lấy đá ngao

Ông Nđu gọi gỗ

Ông Nbút gọi đá

Ban truyền điều lạ cho người!

Lửa đói ăn, ông Kơ Bông trồng lau…

Mau mau ta dọn rừng

Ta đốt sạch từng cây đã phát”.

 

(Bài ca phát rẫy của dân tộc Mạ).

 

Trong lễ cầu mùa cả dân tộc Ba Na lại là lời cầu nguyện cho hạt lúa, hạt đậu, hạt bắp… lên đều, nở lời, nở lãi:

 

“Hãy cho đêm mưa ngày nắng

Bao ngày nó đặng nứt vỏ

Bao đêm nó đặng nảy mầm

Nó nở lời nở lãi…

Để được nuôi, được cả cái ăn

Được lúa, được thóc

Được rẫy, được nhà!”

 

(Bài ca gieo hạt – Dân ca Ba Na).

 

Có những lời ngắn gọn, giản đơn, bày tỏ ước vọng của con người về mùa vụ bội thu:

 

“Cầu cho lúa xanh tốt

Cầu cho lúa mọc nhiều

Mỗi hạt gieo xuống đất

Thành chục gốc tốt tươi

Vượt qua mưa qua nắng

Lúa như bông đùng đình”

 

(Bài ca gieo hạt của dân tộc Cơ Tu)

 

Nhưng cũng có những bài dân ca về lễ cầu mùa khá dài, thể hiện sinh hoạt lễ hội phong phú với nhiều ước vọng của con người. Đó là bài ca cầu mùa của dân tộc Êđê. Cũng như nhiều dân tộc Tây Nguyên xưa, người Êđê xưa sống theo hình thức du canh du cư, phát rẫy, chọc lỗ tra hạt, bởi vậy, trong tiềm thức của họ, các thần là lực lượng siêu nhiên có thể giúp con người mọi điều trong cuộc sống. Trong lễ cầu mùa của người Êđê, trước hết là lời gọi thần:

 

“Hỡi yang Tơ Lua!

Hỡi yang Kbua Lan!

Nước uống người tạo

Cây trồng người gây

Con cái ta đây

Người ban cho nối dây giống dòng

Này đây hai chiếc gùi ta dâng

Thần bà, thần ông hãy nhận

Cho nhà ta ở lành

Cho buôn ta ăn yên…”

 

Họ mong mọi thành viên trong cộng đồng buôn làng được khỏe mạnh, ai cũng thỏa được ước mơ trong cuộc sống, trong lao động sản xuất:

 

“Mong cho buôn làng mạnh khỏe

Mong cho những chàng trai trẻ

Mong cho nội ngoại anh em

Mong cho con gái đàn bà

Mong cho kẻ lên rừng hái quả

Mong cho người lên non chặt cành

Mong kẻ kiến vàng đi bắt

Mong người đặt đó, đơm lờ…

Thảy thảy thỏa dạ ước mơ…”

 

Họ còn mong: “Gió đông chớ nổi! Chớp giật hãy tan! Khiên đao chẳng chạm buôn làng; tê giác hoang dữ tìm đường mà xéo; cọp hung ác lánh xa, khuất nẻo; voi nga chéo cũng phải đi xuôi”. Và ước cho mưa thuận gió hòa để công việc nương rẫy được thuận lợi:

 

“Ước sao được trận mưa sa

Ước sao được cả mưa rào

Cho bầu sai quả, ngô vào đỏ tươi…”

Cùng mọi sản xuất nương rẫy bội thu để:

“Dựng được chòi rẫy thật to

Đựng bao nhiêu thóc đầy bồ đó đây…”

 

(Bài ca cầu mùa của dân tộc Êđê).

 

Như vậy, lễ cầu mùa của người Tây Nguyên từ xa xưa đã trở thành một sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thể hiện nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, thể hiện khát vọng của con người trong cuộc sống và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cả cộng đồng. Những bài ca về lễ cầu mùa của các dân tộc Tây Nguyên đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT