Non nước Việt Nam

Nhà rông – Sản phẩm văn hóa độc đáo của người Xơ Đăng

Cập nhật: 05/07/2011 15:41:35
Số lần đọc: 3369
Người Xơ Đăng cư trú tập trung ở tỉnh Kon Tum, một số ít ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng. Dân tộc này còn có các tên gọi khác như Xơ Ðeng, Cà Dong, Tơ-dra, Hđang, Mơ-nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Bri La Teng, Con Lan.

Người Xơ Ðăng làm rẫy là chính. Nhóm Mơ-nâm làm ruộng nước nhưng không cày bừa mà lại dùng sức trâu, sức người để giẫm nát đất. Ðồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá, đan lát, dệt, rèn. Nhóm Tơ-dra có nghề rèn từ quặng sắt rất phát triển và nổi tiếng. Người Xơ Đăng định cư ở lưng chừng những sườn núi trọc hình bầu dục, mỗi nóc có khoảng vài chục hộ gia đình, được bảo vệ bằng hàng rào lồ ô khép kín có lối ra và cổng vào. Ranh giới giữa các nóc được phân định bởi các con suối hoặc ngọn đồi cao. Họ ở nhà nhà sàn thấp vừa hình chữ nhật, mái lợp tranh, vách bằng gỗ, sàn trên dùng để ở và sinh hoạt, phần dưới để đồ dùng và nuôi gia súc.

 

Người Xơ Ðăng thích hát múa, tấu chiêng cồng, chơi đàn, kể chuyện cổ. Ðàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu.

 

Mỗi làng Xơ Ðăng đều có nhà rông, có bãi mộ chôn người chết... Nhà cửa của dân làng quây quần bên nhau, mọi người gắn bó giúp đỡ nhau. Nóc và mái nhà rông được tạo dáng như cánh buồm lớn hoặc lưỡi rìu khổng lồ ngửa lên trời. Có hình chim chèo bẻo hay hình sừng thú chót vót ở hai đầu đốc. Nhà rông được dân làng tạo dựng nên hoàn toàn bằng thảo mộc có sẵn ở địa phương. Kỹ thuật xây dựng chỉ là lắp ghép và chằng buộc, không hề dùng đến đinh sắt, dây thép... Nhà rông thực sự là công trình kiến trúc, một sản phẩm văn hóa, là trụ sở và câu lạc bộ trong làng của đồng bào Xơ Ðăng.

 

Tuỳ theo số thế hệ và thành viên sống trong một gia đình mà ngôi nhà sàn được làm lớn hay nhỏ và số lượng cột cũng khác nhau. Nếu nhà sàn lớn thì thường bố trí từ 18 – 20 cột (trong đó có 2 cái ở đầu hồi). Cột được dựng chung quanh khuôn viên của ngôi nhà thành hai hàng, với số lượng phía trước bằng phía sau. Do địa hình đồi núi, nhà thường bố trí dựa vào sườn đồi nên hàng cột sau luôn ngắn hơn so với hàng cột trước từ 0,5 – 1m. Riêng hai cột cái bố trí dài hơn cột con khoảng 1,5 đến 2m, được chôn sâu dưới lòng đất và dựng thẳng lên đến hai đầu hồi của nóc nhà. Hệ thống cột được kết nối với nhau bằng các cây “dầm” (đà) gỗ, những cây đà này cũng được bố trí ngang nhau thành một mặt phẳng để làm bệ đỡ cho sàn nhà. Cột cái kết nối với cột con bằng các vì kèo.

 

Khác với người Giẻ-triêng (sàn nhà được làm bằng gỗ), sàn nhà của người Xơ đăng thường làm bằng lồ ô. Họ chặt những cây lồ ô dài đúng bằng chiều dài của ngôi nhà, sau đó đập dập ống lồ ô và trải ra thành một miếng hình chữ nhật, lắp sát lại với nhau trên hệ thống đã làm sẵn tạo thành một sàn hoàn chỉnh.

 

Vách nhà được làm bằng những tấm gỗ xẻ mỏng, dài độ 2m, ngang khoảng 0,4m, đóng dựng đứng sát vào nhau bao quanh hàng cột theo đúng chu vi của một ngôi nhà (trừ các cửa ra vào). Một ngôi nhà sàn truyền thống của người Xơ Đăng thường chỉ bố trí 3 cửa ra vào. Trong đó, cửa chính nằm ở trung điểm của vách trước và hướng thẳng về con suối lớn – nơi có nguồn nước phục vụ cho dân làng hoặc ngọn núi nơi mặt trời mọc (vì người Xơ Đăng quan niệm thần nước, mặt trời, ông đất là những vị thần tối cao của dân tộc họ). Khách, người lạ mặt thường được chủ nhà đón tiếp từ cửa này. Hai cửa phụ được đặt ở đầu hồi ngôi nhà. Trong đó cửa phụ hướng Đông là nơi có máng nước chảy về nên thường bố trí các vật dụng nấu, nướng, sinh hoạt ở cửa này. Cửa hướng Tây thường được mở những khi nhà đông khách hoặc dịp có lễ hội…

 

 

 

Nhà của người Xơ Đăng có kết cấu gồm hai mái chính (mái trước và mái sau) có độ dốc không lớn. Riêng nơi hai đầu hồi được làm thêm hai chái để che tạm nắng, mưa. Mái lợp bằng tranh, tranh lợp được bố trí thành từng mớ nhỏ đặt sát vào nhau theo từng hàng có nẹp giữ chồng lên đòn tay (hoành) theo thứ tự từ dưới lên đến nóc như kiểu chằm nón lá.

 

Trang trí và sắp đặt các vật dụng sinh hoạt trong một ngôi nhà truyền thống của người Xơ Đăng được bố trí một cách khá nề nếp. Những kỷ vật gia truyền quý báu như: cồng chiêng, choé, trống, nồi đồng… được sắp xếp trên một giá kỹ lưỡng nằm sát phía trong bờ vách sau. Thông thường trong một ngôi nhà sàn truyền thống của họ có hơn một thế hệ sinh sống. Bếp nấu ăn được bố trí ở hướng Đông của ngôi nhà. Khi người con trai trong nhà đã lập gia đình thì phải ăn riêng và lập một bếp nấu ăn phụ ở hướng Tây của căn nhà. Giàn bếp là nơi cất giữ thức ăn, giống cây trồng, các đồ dùng sinh hoạt, lao động sản xuất của mỗi thế hệ liên quan trong.

Nguồn: website báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT