Non nước Việt Nam

Độc đáo bánh tráng xoài Ea Súp (Đắk Lắk)

Cập nhật: 03/06/2011 09:21:43
Số lần đọc: 3087
Vùng đất huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk từ lâu nổi tiếng với nắng nóng khắc nghiệt, nhưng đây lại là nơi cho nhiều loại trái cây thơm ngon, trong đó, xoài Ea Súp đã được khẳng định “thương hiệu”. Một vài năm gần đây, người ta còn biết đến một đặc sản làm từ xoài cũng khá nổi tiếng của vùng đất này: Bánh tráng xoài !
Qua tìm hiểu được biết, cây xoài bén đất Ea Súp từ những năm 1980 theo chân những người đi kinh tế mới. Đó là giống xoài cát Nha Trang (đã gắn với thương hiệu bánh tráng xoài của địa phương này), với đặc điểm quả nhiều, thơm ngon nhưng lại chín cực nhanh và mềm. Nhất là, thời tiết nắng nóng ở Ea Súp càng làm xoài chín nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến loại xoài này không thể mang đi tiêu thụ xa được. Đến mùa xoài, ở Ea Súp đâu đâu cũng bắt gặp xoài chín vàng rộm thơm phức và rụng đầy gốc do ăn không hết. Tiếc của, người dân một số xã bắt đầu nghĩ ra cách chế biến những quả xoài chín thành những thứ bánh ăn chơi, và bánh tráng xoài bắt đầu ra đời.

Bà Lê Thị Nhiên (75 tuổi, thôn 4, xã Ea Lê) một trong những người đi tiên phong trong việc “sáng chế”  bánh tráng xoài, tiết lộ: Quy trình làm bánh rất đơn giản. Trước hết, chọn những quả xoài chín, rửa sạch, lột vỏ, lấy phần cơm, bỏ hạt sau đó cho cơm xoài vào một chiếc thùng hoặc xoong, thêm ít đường vừa phải rồi đánh nhuyễn. Kế đến, đổ nước xoài vào nồi nấu lên, vừa nấu vừa khuấy đều tay cho khỏi cháy, đến khi nước xoài sôi và quyện lại thành một thứ hỗn hợp hơi sền sệt là được. Hỗn hợp này sau đó được tráng mỏng lên những chiếc bánh tráng bằng gạo (phải là bánh tráng mềm) đã được làm sẵn hoặc mua từ ngoài chợ về, và cuối cùng, mang bánh phơi nắng chừng 1-2 ngày tùy thời tiết, đến khi lớp hỗn hợp xoài này khô lại, sờ vào không thấy dính tay là được.
 
Bánh sau đó được bọc một lớp ni lông để bảo quản, chống bụi và sử dụng dần. Loại bánh này giữ được rất lâu mà không dùng một loại hóa chất bảo quản nào, bởi chất chua của quả xoài chính là “chất khử” tiêu diệt các nấm mốc hiệu quả. Bánh tráng xoài sau khi phơi khô có thể ăn ngay hoặc đem nướng trên than hồng, lớp bánh tráng sẽ phồng lên ăn rất thơm, khi thưởng thức bánh tráng xoài ngoài vị chua thanh, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi ta còn cảm nhận được mùi thơm tự nhiên của xoài phảng phất.

Giờ đây, ở một số xã trồng nhiều xoài của huyện như Ea Lê, Ea Bung, thị trấn, nhiều hộ dân đã biết tận dụng xoài chín để chế biến bánh tráng xoài, họ xem đó như là thứ đặc sản “cây nhà lá vườn” mang đậm tính dân dã của vùng đất này và thường được đem ra mời mỗi khi có khách đến chơi nhà, hay là thứ quà biếu không thể thiếu gửi tặng người thân mỗi khi về quê.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT