Non nước Việt Nam

Bánh hỏi Bình Định

Cập nhật: 31/05/2011 08:52:31
Số lần đọc: 2810
Ở Bình Định có một loại bánh mang tên là bánh hỏi. Không biết vì đâu có tên này và có từ lúc nào? Xưa nay chưa có ai nói rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của tên bánh, chỉ biết bánh hỏi từ lâu trở thành món ăn quen thuộc của người Bình Định trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều gia đình còn dùng bánh thay các bữa cơm.

Bánh hỏi là loại bánh bình dân. Mỗi bữa ăn sáng cả nhà chỉ cần điểm tâm chừng một ký bánh với vài cái bánh tráng nướng cũng đủ no bụng. Nếu tiếp đãi bạn bè, bà con thân thuộc cũng chỉ thêm đĩa thịt heo luộc là đủ. Ăn bánh hỏi chỉ cần nước chấm.

 

Bánh hỏi được làm bằng bột gạo, mà phải là gạo cũ mới ngon. Sau một đêm ngâm cho mềm, gạo đem xay thành bột rồi cho vào bao vải khô cho ráo nước. Hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia thành từng khối, sau đó cho vào khuôn ép lại. Khuôn bánh hỏi là khối ống bằng đồng, đường kính chừng 7-8cm, chiều cao chừng 20cm. Phần miệng ống hơi loe để tựa vào bàn gỗ. Đáy ống có một rá dày chừng vài ly, có nhiều lỗ nhỏ, vừa cỡ kim may luồn qua được.

 

Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào lá đồng này. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn ăn không ngon. Để ép bánh, người ta dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn, ép cho bột chảy ra. Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ nên thợ phải dùng hệ thống đòn bẩy để tạo sức ép lớn. Một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột xoăn xoắn tuôn ra. Người thứ hai đưa tay hứng lấy và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm, sau đó đem hấp cách thủy một lần nữa mới hoàn thành.

 

Bánh hấp xong được xếp vào giỏ tre có lót lá chuối nhưng không được dậy kín vì sẽ khiến bánh mau chua, ôi thiu. Cũng như bún, bánh hỏi không kén món ăn kèm. Nếu muốn đơn giản, có thêm chan mắm chanh ớt hoặc mắm cái vào rồi ăn liền. Nhưng thường thì người ta ăn bánh hỏi kèm thịt heo luộc cuốn bánh tráng với dưa leo thái mỏng. Cầu kỳ hơn, bạn có thể ăn bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi…

 

Ăn bánh hỏi mà không có lá hẹ thì coi như mất ngon. Lá hẹ sau khi thái nhỏ, xào qua dầu ăn cho thơm phết lên từng tấm bánh trước khi ăn. Hương vị chính của món bánh hỏi là do lá hẹ khử dầu tạo nên, vừa thơm vừa bùi mà không cần đến bất kỳ thứ rau thơm nào ăn kèm.

Nguồn: TNĐT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT