Hành trang lữ khách

Điệu múa dâng thần linh của người Chăm

Cập nhật: 23/05/2011 08:50:10
Số lần đọc: 2697
Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa phát triển cao, nghệ thuật dân gian đặc sắc. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể như: hệ thống đền đài, tháp cổ, những bức phù điêu, tượng đá, bia ký, cộng đồng người Chăm, đặc biệt là ở Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay đang lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể cổ truyền đa dạng, phong phú và đặc sắc.

Đó là kho tàng truyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu đố và nhạc lễ, hát cúng quyện với hệ thống nhạc cụ đa dạng, độc đáo. Ca múa nhạc dân tộc Chăm phản ánh khá rõ nét cách nhận thức, quan niệm, thẩm mỹ, thể hiện tình cảm, sự tưởng nhớ của mình đối với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng quê hương đất nước, đem sự bình yên cho dân làng, hay sự sùng bái một hoặc vài vị vua được thần hóa.

 Xuất phát từ niềm tin vạn vật hữu linh, người Chăm có tín ngưỡng đa thần. Những ngọn núi, dòng sông, cửa biển, cây cổ thụ… đều được họ xem là có linh hồn, có khả năng phù hộ độ trì hoặc có thể đe dọa cuộc sống của con người. Để được may mắn, bình an, được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, con đàn cháu đống… họ tôn thờ các vị thần linh như thần núi Patau Cơk, thần sông Patau Ia, thần biển Pô Riyak, thần mây, thần mưa, sấm chớp...

Và múa chính là tiếng nói của họ đến với thần linh, tất cả những mong muốn của họ được gửi đến thần linh qua những điệu múa. Trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, người Chăm tạo ra những điệu múa mô phỏng những hình ảnh rất gần gũi với đời sống sinh hoạt hằng ngày của mình như: đi biển, đi lấy nước, chống thú dữ…

Theo thống kê, người Chăm có khoảng 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ. Đối với người Chăm, múa rất quan trọng. Múa tạo không khí linh thiêng, vui tươi, sinh động cho lễ hội.

Múa dân gian Chăm tuy có nhiều điệu múa khác nhau, nhưng nhìn chung có bốn điệu múa chính có mặt xuyên suốt trong nghệ thuật múa. Bốn điệu múa hay bốn động tác được người Chăm sử dụng phổ biến là: Biyên, Kmân, Mrai, Chron. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như: Patra, Chaligia. Và cho đến ngày nay là điệu Biyên, điệu Chaligia, điệu Patra, điệu Chron, những điệu múa được sử dụng nhiều nhất trong múa Chăm.

Theo truyền thuyết của người Chăm, ngày xưa dưới trần gian đầy rẫy ma quỷ, thú dữ… hoành hành cuộc sống con người. Thiên hoàng Pô Kuk sai con gái là Pô Ina Nưgar xuống trần gian để xây dựng xứ sở Chăm và tạo sự sinh tồn của người Chăm. Bà đã bốc bốn vì tinh tú và cho nở ra bốn con thượng cầm là chim công (Biyên), điểu cầm (Kmân), gà lôi (Mrai) và gà tây (Chron) để cùng các nàng tiên cưỡi xuống trần gian.

Khi xuống đây bà đã chỉ cho người Chăm biết trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa, dệt vải, dạy nhân dân chống lại thú dữ… tạo nên cảnh quốc thái dân an cho người Chăm. Khi nhìn những con chim bay lượn rất đẹp, người Chăm đã bắt chước các động tác của chim để sáng tạo bốn động tác mang tên bốn loài chim này.

Múa dân gian Chăm, còn gọi là múa cộng đồng, thường diễn ra vào các ngày lễ đầu năm, đầu mùa. Những điệu múa đặc trưng là: đóa pụ (có nghĩa là đội nước, khi múa, những cô gái đội một cái bình trên đầu - đội đầu là một hình thức vận chuyển phổ biến của người Chăm), múa quạt, múa khăn, múa trống paranưng, múa roi, múa chèo thuyền. Múa chèo thuyền được coi là điệu múa lâu đời nhất của người Chăm, thể hiện sinh hoạt lao động vùng biển của con người.

Đa phần các điệu múa của người Chăm đều gắn liền với lễ hội, mà hệ thống lễ hội của người Chăm thì vô cùng phong phú. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, nhưng đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Họ mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, cây cối tươi tốt, con cháu ấm no, khỏe mạnh, hạnh phúc, được sống yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên.

Không chỉ gắn bó với lễ hội, múa dân gian Chăm còn gắn liền với những dịp trọng đại của gia đình như cưới xin, khánh thành nhà... Điều đặc biệt là múa dân gian Chăm hầu hết là múa có đạo cụ như: khăn, roi, trống, quạt... và dựa vào đạo cụ mà gọi tên cho từng điệu múa.

Tất cả các điệu múa này vẫn còn tồn tại trong cộng đồng Chăm như một hình thái sinh hoạt lễ hội, và theo thời gian, chúng được cách điệu để đưa lên sân khấu. Nghệ thuật múa dân gian Chăm đang giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần trong cộng đồng người Chăm./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục