Tin tức - Sự kiện

Việt Nam trở thành tâm điểm du lịch di sản - văn hóa

Cập nhật: 15/11/2010 13:11:42
Số lần đọc: 1404
Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã hỗ trợ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các điểm di sản tại địa bàn tỉnh tổ chức khóa đào tạo thí điểm hướng dẫn viên di sản tại Hội An theo chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ của UNESCO.

 

Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng chiến lược lồng ghép Du lịch – Văn hóa nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam” và được triển khai thí điểm tại di sản Hội An. Tham gia khóa đào tạo có 23 học viên là hướng dẫn viên tại các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và một số hướng dẫn viên đến từ Hà Nội. Tham gia giảng dạy có chuyên gia về văn hóa của UNESCO cùng các giảng viên Khoa Du lịch các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam.

 

Theo văn phòng UNESCO tại Hà Nội, trong các điểm di sản thế giới được UNESCO công nhận thì 6 di sản thế giới tại Việt Nam đang ngày càng trở thành tâm điểm của các hoạt động du lịch, bao gồm loại hình du lịch đặc biệt – du lịch di sản và văn hóa. Điều này đang tạo ra những lợi ích ngày càng tăng, như nguồn thu từ phí tham quan và các dịch vụ du lịch tạo ra những nguồn lực đáng kể góp phần vào bảo tồn di sản, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng cư dân địa phương và tác động dài hạn đối với sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các di sản thế giới cũng phải đối mặt với hàng loạt những thách thức, như áp lực từ tình trạng quá tải hay sự cải tạo, cơi nới, biến đổi hiện trạng di sản để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

 

Tại di sản văn hóa thế giới Hội An, nơi được chọn triển khai thí điểm khóa đào tạo lần này thì di sản ngày càng được phát huy mạnh mẽ, góp phần quan trọng tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương và cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân thông qua sự hưởng lợi từ khai thác di sản. GDP ngành du lịch- dịch vụ chiếm 67% tổng GDP thành phố năm 2009. Thương hiệu di sản văn hóa Hội An được khẳng định và mở rộng. Theo thống kê của Phòng thương mại-du lịch Hội An thì tổng lượng khách tham quan di sản Hội An từ năm 2006 - 2010 là gần 3,5 triệu lượt người; tốc độ tăng bình quân 11,02%. Trong đó khách quốc tế đạt gần 2,6 triệu lượt người. Trong giai đoạn 2011-2015, việc phát triển du lịch tại Hội An phải đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và phát huy tốt các giá trị lịch sử-văn hóa của di tích, di sản. Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2011-2015 là tổng lượng khách tham quan đô thị cổ Hội An đạt hơn 5,2 triệu lượt.

 

Trong bối cảnh đó, vai trò của hướng dẫn viên tại các điểm di sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các hướng dẫn viên di sản được đào tạo tốt không chỉ góp phần diễn giải, thuyết minh tốt về điểm tham quan, mà còn có thể giúp cho du khách và kể cả người dân địa phương nâng cao trải nghiệm và hiểu được các giá trị nổi bật của điểm di sản, đặc biệt là tính chân thực, nguyên vẹn của di sản hơn là một điểm du lịch mang tính giải trí. Từ đó, hướng dẫn viên di sản còn có thể góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy nỗ lực và sự ủng hộ đối với việc bảo tồn di sản. Đặc biệt, các hướng dẫn viên di sản được đào tạo tốt còn chính là nguồn lực quý giá và là lợi thế cho việc quảng bá cho điểm đến, với việc cung cấp cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, gây ấn tượng mạnh về điểm đến di sản với những giá trị nổi bật toàn cầu, vượt lên những điểm đến khác trong khu vực vốn có hình thức bên ngoài tương tự.

 

Chương trình được xây dựng với mong muốn xây dựng một mô hình thí điểm thành công tại Hội An, từ đó rút ra các kinh nghiệm và đề xuất phát triển Chương trình với các cấp quản lý, hướng đến nỗ lực chung trong việc nâng cao truyền đạt giá trị di sản và góp phần bảo tồn di sản, cũng như tạo ra nguồn lực mạnh cho việc quảng bá các điểm di sản như những điểm đến đặc biệt, duy nhất của nhân loại tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT