Non nước Việt Nam

Ðền Và cổ kính

Cập nhật: 19/06/2008 08:06:53
Số lần đọc: 2282
Ðền Và - nay thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thành phố Sơn Tây, Hà Tây cổ kính và đẹp đẽ bậc nhất trong số các đền miếu trong vùng, nơi từ xưa đến ngày nay có lễ hội thu hút dân trong vùng và khách thập phương đông vui với nhiều trò vui dân gian cũng vào hàng hiếm thấy ở xứ Ðoài.

Ngôi đền đồ sộ, bề thế, mái ngói bạc mầu cùng năm tháng, với khoảng sân rất rộng, ẩn dưới rừng lim cổ thụ uy nghi, trầm mặc tỏa bóng, trên ngọn đồi thấp đầu làng, bên đường quốc lộ.

 

Vẻ cổ kính với lối tổ chức không gian nội, ngoại thất, cùng các đường nét kiến trúc cơ bản đậm phong cách kiến trúc đền miếu thời Lê, đã từng được trùng tu một số lần vào thời Nguyễn, mà dấu ấn rõ nhất là nghệ thuật chạm khắc, trang trí tinh xảo mà bay bướm, ngôi đền hiện vẫn vững chãi, sải mái nguy nga, không gian bên trong thoáng rộng với hệ bàn thờ, đồ thờ uy nghi mà không kém phần lộng lẫy, tương xứng với niềm thiêng của vị Thánh được cả nước tôn thờ-Thánh Tản Viên, một trong "Tứ bất tử" của nước nhà, vị Phúc Thần bậc nhất trong tâm linh của dân ta.

 

Thánh Tản Viên là hóa thân của khí thiêng sông núi, sức mạnh siêu nhiên giúp dân chống cả giặc dã lẫn thủy tai, theo truyền miệng của dân trong vùng, một lần du xuân thuở xa xưa lắm, ghé thăm một miền đất tụ cư, thấy ngọn đồi hình kim qui tỏa khí lành nay là đồi Và, có khí chất một vùng thắng địa, Ngài dừng chân, đám mây lành từ núi Tản bay đến che lọng tía, liền lập hành cung, gọi "đông cung".

 

Vào khoảng vài ba thế kỷ sau công nguyên, dân trong vùng lập đền bái vọng, đời đời hương khói phụng thờ. Bài văn trên tấm bia đá lập năm 1883 hiện còn dựng ở chái đền, cho hay lúc ấy "đền là miếu nhỏ, nhưng rất linh ứng, cầu gì được nấy".

 

Trải nhiều thế kỷ thăng trầm, đến thời thịnh trị triều Lê, làng Và trù phú đứng ra cùng dân chúng trong vùng góp công góp của xây cất ngôi đền lớn trên vị trí ngôi đền cũ.

 

Ngôi đền năm gian, mặt tiền rộng, lòng đền sâu, ba hàng cột lim cỡ một vòng tay ôm, chân cột đặt trên đá tảng trang trí hoa văn, đỡ ba bộ vì kèo chồng giường, hệ bẩy và quá giang đều chạm trổ hoa văn hoa lá khiến bộ khung, sườn đền to lớn, chắc khỏe trở nên thanh thoát và đẹp mắt.

 

Gian chính giữa là hệ ban thờ ba ngôi Thánh Tản, các long ngai, bài vị sơn son thếp vàng lộng lẫy, dưới  tán lọng vàng, tỏa không khí linh thiêng.

 

Ðồ thờ phong phú, một số là di vật thời Nguyễn còn giữ được, nhiều hơn là của khách thập phương cung tiến từ trước đến giờ, đáng chú ý là những cỗ kiệu gỗ chạm trổ công phu, sơn thếp đẹp mắt...

 

Lễ hội Ðền Và mới thật là đông vui, sầm uất, tới nay vẫn giữ được cách thức cổ truyền, xem như một di sản phi vật thể giá trị.

 

Bắt đầu từ cuộc rước bài vị Thánh qua sông Hồng đến làm lễ tắm ngai ở Ðền Dội, nay thuộc xã Ngư Bình (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

 

Lễ rước bắt nguồn từ truyền thuyết kể rằng: Sơn Tinh từng du ngoạn vùng ven sông Hồng vào ngày 14 tháng Giêng , không còn nhớ rõ năm, thấy cô thôn nữ gánh đôi quang sọt, Ngài nhờ cô gánh cho đôi sọt nước từ sông Hồng để rửa chân.

 

Theo lời Ngài, cô xuống sông múc nước, quả nhiên đôi sọt tre đan hóa hai sọt nước đầy. Hôm sau, cô ra chốn cũ lặng lẽ hóa thân, mối đùn thành gò mộ. Sơn Tinh báo mộng cho dân làng lập đền thờ, dân gọi là Ðền Dội.

 

Từ đó, ba ngày 14 - 17 tháng Giêng các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, Ðền Và lại mở hội lớn gọi là chính lễ. Lễ tắm ngai dùng nước lấy ở giữa sông Hồng vào sáng sớm ngày Rằm, đựng vào chum nhỏ.

 

Theo lệ, chính lễ rước đông vui nhất, dân cả tám làng Vân Gia, Cầu Trì, Mai Trai, Nghĩa Phủ, Ðạm Trai (xã Trung Hưng); Phú Nhi (phường Phú Thịnh); Phù Sa (xã Viên Sơn); thôn Di Bình, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cùng nhau làm lễ.

 

Chiều 14 tháng Giêng, mỗi thôn một kiệu túc trực trên sân trước cửa Ðền Và. Sớm tinh mơ ngày Rằm, làm lễ "phụng nghinh", rồi rước long ngai ba vị Ðức Thánh Tản ra kiệu chính.

 

Ðoàn rước trùng điệp theo sau kiệu chính là những kiệu văn (văn tế), kiệu long mũ của tam Thánh, kiệu hương hoa, oản quả các thôn dâng cúng. Ðám rước trang nghiêm mà náo nhiệt càng đi càng thu hút đông đảo dân trong vùng, trên đường diễu hành qua cầu Cộng vào thành phố Sơn Tây.

 

Tới cổng thành cổ thì đoàn kiệu quay một vòng mới rước qua các làng Phù Sa, Phú Nhi để đi đến bờ sông Hồng. Các cỗ kiệu lần lượt xuống thuyền qua sông, rồi dừng lại trước bàn thờ tam vị Thánh Tản, sau đi vào Ðền Dội.

 

Cuộc vui ở bãi sông tới xế chiều thì lại rước kiệu trở lại Ðền Và. Sau các nghi thức tế lễ là tưng bừng hội. Người người hào hứng vòng trong vòng ngoài, xem và nhập cuộc các trò vui dân gian, những đấu cờ người, đấu vật, chọi gà, hát múa dân ca, dân vũ lắm làn điệu và vũ hình đặc sắc xứ Ðoài...

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT