Non nước Việt Nam

Về Đồng Tháp thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật: 13/06/2008 10:30:47
Số lần đọc: 2449
Có dịp ghé thăm vùng Đồng Tháp Mười, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét đặc trưng của vùng sông nước mênh mông, những loài hạc quý hiếm ở Vườn quốc gia Tràm Chim, sẽ bắt gặp những di tích, chiến khu xưa ở căn cứ Xẻo Quýt…. và khu di tích văn hóa độc đáo Lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tại trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là nơi mà du khách không thể không ghé thăm.

Thuở nhỏ, Nguyễn Sinh Sắc là một cậu bé mồ côi hiền lành, thông minh ham học, được nhà nho Hoàng Xuân Đường thương yêu nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế. Về sau ông tham dự kỳ thi hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Lúc này ông được cụ Hoàng gả con gái của mình là bà Hoàng Thị Loan làm vợ. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng và chỉ làm quan được một thời gian ngắn thì bị nhà Nguyễn cách chức. Sau khi bị cách chức ông vào miền Nam và sinh sống tại làng Hòa An thuộc tỉnh Đồng Tháp để dạy học, bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ người nghèo và sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời. Để tưởng nhớ công ơn của cụ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã xây dựng khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc để mọi người trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm và thắp nén hương tưởng nhớ cụ. Khu di tích cụ Phó bảng nằm cạnh chùa Hòa Long, ngay trung tâm thành phố Cao Lãnh. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Đồng Tháp nói riêng và của cả nước nói chung. Khu di tích này được khánh thành vào cuối năm 1977. Toàn bộ khu di tích rộng khoảng 3,6ha được chia làm 3 khu vực: khu lăng mộ cụ Nguyễn, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Nét chủ đạo của khu lăng mộ là một màu trắng nổi bật, mang lại cảm giác thư thái nhẹ nhõm cho người đến viếng. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây trái, hoa cảnh quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về tặng để tỏ lòng biết ơn. Khu di tích không những được xây dựng rất kỳ công mà còn mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vòm mộ quay mặt về hướng đông, là một cánh hoa sen cách điệu có dáng hình bàn tay xoè úp xuống, phía trên là 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và ôm ấp ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.

 

Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, nấm mộ màu xám tro yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Phía trước mộ là hồ sen hình ngôi sao 5 cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và đó cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp. Rời lăng mộ cụ Nguyễn, du khách sẽ được tham quan khu nhà trưng bày những hình ảnh về cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ và khu nhà sàn được phục chế nguyên mẫu theo tỷ lệ 1:1 như nhà sàn và ao sen của Bác ngay tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Tại đây du khách có thể cảm nhận và hình dung được cuộc đời thanh đạm của Bác, góc làm việc, nơi nghỉ ngơi của Bác sau giờ làm việc và tại nhà sàn Người luôn dành một góc nhỏ cho các cháu thiếu nhi vui đùa… Hàng năm cứ vào ngày 27/10 âm lịch, người dân Đồng Tháp và bà con gần xa từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại tề tựu về đây, để tổ chức lễ giỗ cho cụ Phó bảng trong không khí đông vui và trang nghiêm như một ngày hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT