Hoạt động của ngành

Phát huy giá trị bảo tàng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Cập nhật: 25/07/2025 08:50:17
Số lần đọc: 33
(TITC) - Ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã có buổi làm việc với với Bảo tàng Lịch sử quốc gia về thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Cùng dự có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TITC

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống bảo tàng, trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa - một trụ cột mới trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Theo Thứ trưởng, lịch sử và văn hóa Việt Nam là kho tàng vô giá, chứa đựng những giá trị truyền thống thể hiện tinh thần dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Những bảo vật quốc gia, những câu chuyện lịch sử không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, mà hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nếu chúng ta biết khai mở, kết nối và chuyển hóa phù hợp.

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Từ góc nhìn phát triển du lịch, ngày nay, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm đích thực, gắn với bản sắc, chiều sâu văn hóa và yếu tố cá nhân hóa. Điều thực sự thu hút du khách không chỉ nằm ở tiện nghi vật chất, mà còn ở những giá trị gia tăng, cụ thể là trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Một khách sạn nếu chỉ là nơi lưu trú thì rất khó giữ chân du khách, nhưng nếu kèm theo đó là những trải nghiệm về di sản, bảo tàng, văn hóa địa phương, thì giá trị sẽ khác hoàn toàn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về ý tưởng, sản xuất, phân phối, marketing, tạo doanh thu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Việc tạo ra lợi nhuận từ di sản còn tạo ra chuỗi giá trị mới, gắn với đời sống và các lĩnh vực liên quan. Vì vậy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và các bảo tàng nói chung cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, cần phát huy, khai thác tốt các giá trị di sản, hiện vật để tạo ra giá trị, thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn báo cáo. Ảnh: TITC

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, hiện nay, Bảo tàng lưu giữ khoảng 200.000 tài liệu, hiện vật, 28 bảo vật quốc gia. Trong đó có gần 4.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn, trưng bày tại 2 cơ sở. Bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng cũng có hoạt động trưng bày chuyên đề trong nước và quốc tế. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục như các chương trình giáo dục trực tiếp tại Bảo tàng, chương trình giáo dục kết nối Bảo tàng và di tích; tour tham quan kết nối Bảo tàng với các điểm đến; ứng dụng công nghệ trong xây dựng, tổ chức các chương trình giáo dục; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động; triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá.

Nhằm từng bước nghiên cứu, khai thác các giá trị di sản để xây dựng các sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa, ông Nguyễn Văn Đoàn đề xuất đẩy nhanh thực hiện dự án về cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang trưng bày 2 cơ sở của Bảo tàng; đồng thời đầu tư xây dựng các trưng bày chuyên đề đặc biệt. Có các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp hợp tác với Bảo tàng về du lịch, giáo dục, xuất bản, công nghệ… hoặc khai thác phát huy giá trị, tiềm năng tài sản công của Bảo tàng. Có cơ chế và hướng dẫn cụ thể để chuyển hóa các giá trị di sản của Bảo tàng thành sản phẩm văn hóa đặc trưng có khả năng thương mại hóa. Tập trung thực hiện số hóa tài liệu, hiện vật phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ sáng tạo các loại sản phẩm văn hóa.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TITC

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và các bảo tàng nói chung là những “kho báu vô giá” chứa đựng những tiềm năng to lớn. Trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa, bên cạnh thực hiện tốt chức năng của một bảo tàng, việc đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là trong hoạt động marketing là cần thiết và cấp bách.

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, bảo tàng phải được tiếp thị như một sản phẩm văn hóa hấp dẫn. Để làm được điều đó, cần thành lập bộ phận chuyên trách về kinh doanh, thương mại để xây dựng các chiến lược cụ thể, tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác. Khi đã có sản phẩm tốt, quy trình phục vụ bài bản, công nghệ hiện đại thì khâu tiếp thị - truyền thông sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Phó Cục trưởng khẳng định, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng các bảo tàng trong việc kết nối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch để xây dựng các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, khả thi và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong ghi nhận và đánh giá cao những trao đổi, thảo luận về  khó khăn, vướng mắc cũng như các giải pháp thúc đẩy bảo tàng phát triển gắn với công nghiệp văn hóa. Thứ trưởng nhấn mạnh định hướng phát triển sản phẩm văn hóa gắn với công nghiệp văn hóa phải đáp ứng các yêu cầu về ý tưởng, sáng tạo, sản xuất cho đến tiếp thị, tất cả phải đầy đủ, liền mạch để tạo ra các giá trị thực tế. Việc nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở báo cáo hay mô hình, mà phải chuyển hóa, tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ được nhu cầu của xã hội, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm văn hóa của du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần tạo ra không gian mới mẻ, hấp dẫn, thuận tiện, thông minh thông qua việc đưa chuyển đổi số vào các hoạt động trưng bày, thuyết minh, trải nghiệm.

Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Cục Bản quyền tác giả phối hợp, hỗ trợ chuyên môn cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong quá trình xây dựng mô hình gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Sự phối hợp này không chỉ mang tính liên ngành, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới trong cách vận hành các thiết chế văn hóa theo hướng mở, linh hoạt và phù hợp với xu hướng hiện nay.

Thứ trưởng Hồ An Phong cùng lãnh đạo, đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 24/7/2025

Cùng chuyên mục