Non nước Việt Nam

Vang vọng chiêng Mường Yên Bình (Hà Nội)

Cập nhật: 08/11/2021 05:49:01
Số lần đọc: 3445
Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường, gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật và giữ gìn qua các thế hệ.  


Gần 13 năm kể từ khi sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) thay đổi đến ngỡ ngàng. Con đường trục chính của xã trải nhựa phẳng lì uốn lượn giữa núi đồi, hai bên là những vườn bưởi, nhãn, ổi, thanh long lúc lỉu quả, xen lẫn là những ngôi nhà tầng khang trang giữa vườn hoa, cây cảnh tạo ấn tượng về một vùng quê ngày thêm giàu đẹp. Men theo đường bê tông-tiêu chuẩn đường liên thôn, liên xã Yên Bình dẫn chúng tôi tới Nhà văn hóa thôn Dục.

Đón chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng thôn Dục giới thiệu khuôn viên nhà văn hóa khang trang, sân thể thao rộng rãi, ấn tượng là dàn cồng chiêng-bản sắc văn hóa của đồng bào Mường.

Bà Thu cho biết, do có thiết chế văn hóa khang trang với đầy đủ các thiết bị âm thanh, loa đài, rồi đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng cao nhờ nông nghiệp sạch mà tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào luôn rộn ràng. “Không riêng người cao tuổi mà ngay cả các cháu nhỏ ở thôn cũng biết cách đánh cồng chiêng. Nhiều lần chúng tôi đã đưa đội cồng chiêng đi dự các liên hoan nghệ thuật dân gian của huyện, thành phố tổ chức, được nhiều giải thưởng lắm”, bà Thu hồ hởi kể.

Chiêng Mường của người dân xã Yên Bình, huyện Thạch Thất góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: Nguyễn Thu

Bà Thu cũng giới thiệu cách chơi cồng chiêng của người Mường ở Hà Nội khác với Tây Nguyên và các tỉnh khác. Cồng của người Mường Thạch Thất có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng. Cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có núm ở giữa, của người Tây Nguyên không có núm, bởi vậy mà thanh âm tiếng chiêng của người Mường Thạch Thất cũng mang đặc trưng riêng.

Một bộ cồng chiêng của người Mường nơi đây có từ 12 đến 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Tiếng cồng chiêng được ngân vang trong dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền thay lời chúc cho gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, dân làng no ấm, yên vui.

Năm 2008, khi hợp nhất từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về với Hà Nội, nhiều bà con dân tộc Mường ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) chưa biết đánh cồng chiêng. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc Mường muốn khôi phục lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho 3 xã miền núi nêu trên mỗi xã hai bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng.

Cùng với đó, huyện Thạch Thất đã mời các nghệ nhân đánh cồng chiêng uy tín của tỉnh Hòa Bình mở lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng cho đồng bào Mường, thu hút hàng trăm người tham gia. Nhờ đó đến nay, số bộ cồng chiêng ở các xã tăng lên nhanh chóng một phần do Nhà nước hỗ trợ, một phần là của những người dân vì yêu cồng chiêng đã tự mua sắm. Hiện xã Yên Bình với 10 thôn thì có tới 13 bộ cồng chiêng.

Ông Đinh Như Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: “Khi địa phương mới về với Thủ đô, chúng tôi cũng lo lắng văn hóa núi rừng bị nhạt nhòa, nhưng được thành phố quan tâm mở các lớp dạy học cồng chiêng, nhờ đó, nét văn hóa của đồng bào được bảo tồn. Hằng năm, địa phương tổ chức nhiều hội thi, giao lưu văn hóa cồng chiêng để các thôn, xã học tập, khích lệ nhau gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc”./.

Hà Anh

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT