Non nước Việt Nam

Tục cúng sức khỏe của người M’nông ở Tây Nguyên

Cập nhật: 02/08/2019 10:55:40
Số lần đọc: 1141
Lễ cúng sức khỏe nhằm tạo cho người được cúng thoải mái về mặt tinh thần, tự tin hơn trong công việc, cảm thấy luôn được che chở.

Tục cúng sức khoẻ là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đồng bào dân tộc M’nông ở Tây Nguyên. Lễ cúng sức khỏe nhằm tạo cho người được cúng thoải mái về mặt tinh thần, tự tin hơn trong công việc, cảm thấy luôn được che chở trong mọi tình huống. Đây còn được coi là dịp để cả gia đình ăn mừng cho người bị bệnh đã tai qua nạn khỏi, mạnh khoẻ trở lại.

Lễ cúng sức khoẻ của người M’nông chỉ diễn ra trong quy mô gia đình, và bắt buộc thực hiện vào buổi chiều tối. Đầu tiên chủ nhà phải mời được một thầy cúng có uy tín nhất của làng đến làm lễ. Lễ vật chuẩn bị gồm có hai ché rượu cần, một con heo, một con gà, một bầu nước đầy, một bát cơm mới nấu, một bát gạo và một cây nến. Bà U Wit, ở buôn Nà Sược, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nói về việc cúng sức khoẻ của gia đình như thế này:

“Nếu mình ốm đau đã lâu, sau khi đỡ ốm xong thì mình làm lễ cúng nhỏ nhỏ, có heo nhỏ gà nhỏ cũng được. Làm như thế mình an tâm hơn, gùi nước bổ củi như cũ, làm việc nhiều hơn, tránh được nhiều điều không may.”

Lễ cúng sức khoẻ của người M’nông gồm lễ cúng ở ngoài sân và cúng trong nhà. Lễ vật cúng ngoài sân ngoài một ché rượu nhỏ và thịt heo, chủ nhà còn phải chuẩn bị các vật tượng trưng cho tài sản của gia đình dâng lên ông bà tổ tiên. Đó là hình con voi, con trâu, con bò… được làm từ thân cây chuối và lá chuối. Một dàn chiêng 6 cái làm từ vỏ trái bầu khô cắt nhỏ; còn ché rượu tượng trưng thì làm bằng vỏ trứng gà.

Khi thực hiện nghi lễ cúng ngoài sân thì chỉ có chủ nhà và thầy cúng. Những người khác, nhất là người được cúng sức khoẻ, đều phải ở trong nhà. Thầy cúng sẽ khấn rằng gia đình đã chuẩn bị các vật thay thế để các linh hồn mang đi, từ nay đừng quấy nhiễu gia chủ. Sau đó, các vật dụng cúng ngoài sân sẽ không được mang vào trong nhà. Ông Bơ Mplưl, ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cho biết ý nghĩa việc cúng ngoài sân: “Lễ cúng này nhằm cầu xin với các thần linh, đặc biệt là linh hồn của người đã khuất cho người vừa mới ốm dậy hoặc người đang bất an được khoẻ mạnh, ăn uống bình thường, mong cho người được cúng không còn bị quấy nhiễu nữa.”

Sau khi cúng ở ngoài sân, chủ nhà và thầy cúng sẽ vào trong nhà làm lễ. Tại đây, người được cúng sức khoẻ đang chờ sẵn bên ché rựơu cần. Xung quanh ché rượu bày một con gà và bộ lòng gà đã luộc chín, một bát gạo, một cây nến, một chén cơm, một bát tiết heo, một cái vòng đồng và một ít bông gòn. Thầy cúng ngồi đối diện với người được cúng và bắt đầu khấn:

" Hôm nay chủ nhà chúng tôi làm cúng để cho chủ nhân luôn mạnh khỏe, từ nay về sau sẽ luôn ăn cho ngon, ngủ cho yên, không còn lo nghĩ, làm nương làm rẫy mạnh khoẻ như cũ, như thường, mong cho các thần phù hộ, bảo vệ cho mạnh khoẻ bình an"

Khấn xong, thầy cúng lấy một ít bông gòn kẹp vào chiếc vòng đồng, nhúng vào nước cúng, đưa lên ngực của người được cúng, với mục đích cầu thân linh ban cho người này luôn an tâm, sức khoẻ được dồi dào. Sau đó thầy cúng đeo chiếc vòng đồng vào tay người được cúng. Sau các nghi lễ, người được cúng sẽ là người đầu tiên được vít cần rượu. Sau đó, lần lượt chủ nhà và các thành viên trong gia đình sẽ tiếp nối uống rượu cần. Trong lúc mọi người uống rượu thì thầy cúng mang chén tiết kèm chút rượu cần xuống cúng thần bếp, để thần luôn giữ lửa, giữ ấm cho gia đình.

Trước kia, trong các cộng đồng M’nông, khi bà con có bệnh phải mời thầy cúng đến chữa và khi khỏi bệnh thường làm lễ cúng sức khoẻ. Ngày nay, hệ thống y tế đã trải khắp các buôn làng. Bà con khi ốm đau đều đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tục cúng sức khoẻ của người Mnông vì thế cũng còn rất ít người thực hiện. Tuy vậy, tuỳ điều kiện kinh tế mà các gia đình có thể tổ chức lễ cúng sức khỏe như một lễ ăn mừng, vừa là giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, vừa như một liệu pháp tâm lý để mọi người bảo nhau giữ gìn sức khoẻ, phấn đấu làm ăn./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT