Tin tức - Sự kiện

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Du lịch đang làm các giá trị di sản văn hóa và ẩm thực Việt Nam được tôn vinh và tỏa sáng

Cập nhật: 14/08/2021 15:18:22
Số lần đọc: 855
(TITC) - Hội thảo trực tuyến “Giá trị thực dụng - Nền văn hóa ẩm thực miền Trung” đã diễn ra vào sáng nay (14/8). Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự và phát biểu tại sự kiện.  

Đây là sự kiện thứ 2 được tổ chức nằm trong chuỗi sự kiện “Sáng kiến cộng đồng: Du lịch Văn hóa ẩm thực - Con đường di sản miền Trung” do Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, với sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA).

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận nhất với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản Tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được ghi danh thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO. Bên cạnh đó, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt Nam được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch quý giá của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam đã tạo ra tiếng vang và nhận được giải thưởng lớn của thế giới như Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2019, gỏi cuốn và phở của Việt Nam cũng được CNN bình chọn trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới năm 2019. Nhiều chính trị gia hàng đầu thế giới như cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hay những nghệ sỹ, những người có ảnh hưởng trên thế giới khi đến Việt Nam đều dành thời gian thưởng thức các món ăn tinh hoa của ẩm thực Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến

Thời gian qua, các di sản văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đã làm tốt vai trò như một đại sứ du lịch, góp phần thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tổng cục trưởng khẳng định “Con đường di sản miền Trung” là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam thời gian qua cũng luôn gắn liền với việc quảng bá văn hóa, ẩm thực mọi vùng miền trong cả nước, trong đó có văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền Trung. Du lịch đang làm cho các giá trị của di sản văn hóa và ẩm thực Việt Nam được tôn vinh và tỏa sáng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn đối với ngành du lịch, Tổng cục trưởng cho rằng sự kiện sẽ góp phần đẩy mạnh quảng bá mảnh đất, con người miền Trung, du lịch văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp… trong việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực, gắn với sản phẩm “Con đường di sản miền Trung”, tạo sức lan tỏa tới các vùng miền khác trong cả nước, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mở cửa, đón khách quốc tế khi đại dịch được đẩy lùi.

TS. Đoàn Minh Phú - Tổng Giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Đoàn Minh Phú - Tổng Giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản Việt Nam, để phát huy giá trị ẩm thực miền Trung vươn ra thế giới, cần nghiên cứu chuẩn hóa các cơ sở ẩm thực để du khách đến miền Trung có thể dễ dàng tìm kiếm để thưởng thức. Cần nghiên cứu khẩu vị tùy theo vùng miền, gia giảm gia vị cho phù hợp để khách ở khắp nơi có thể thưởng thức các món ăn ngon của miền Trung, từ đó lan tỏa giá trị món ăn.

Ông Phú nhấn mạnh cần tạo mối kết nối giữa nghệ nhân ẩm thực với doanh nhân, một bên tạo ra sản phẩm và một bên giúp tiêu thụ sản phẩm, đưa ẩm thực miền Trung đến gần hơn với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Ở đây, vai trò của Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam rất quan trọng trong việc tổ chức kết nối nghệ nhân và doanh nhân, quảng bá sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả…

Ông mong muốn thông qua phát huy và thương mại hóa các giá trị văn hóa ẩm thực của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam cũng như của miền Trung.

TS. Huỳnh Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ông Bếp phát biểu tại hội thảo

Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, TS. Huỳnh Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ông Bếp đề cao giá trị thực dụng của gia vị, nguyên liệu trên con đường phát triển ẩm thực miền Trung. Miền Trung có nguồn nguyên liệu đặc biệt phong phú, giá trị, có rất nhiều tiềm năng để phát huy ẩm thực khu vực này. Mỗi một vùng miền Việt Nam lại có những khẩu vị khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho ẩm thực Việt Nam.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông nhấn mạnh, cần có giải pháp chế biến các nguyên liệu thô thành các sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Trong đó cần áp dụng các công nghệ hiện đại để bảo quản, chế biến để mang lại giá trị cao hơn và lâu bền hơn cho sản phẩm.

Ông Đạt khẳng định, bằng kiến thức, tầm nhìn, đam mê và công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc phát huy các giá trị ẩm thực Việt Nam, hình thành thương hiệu và quảng bá rộng rãi thương hiệu ẩm thực du lịch Việt Nam ra thế giới.

Trao đổi về tầm quan trọng của kết nối 4 nhà (Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh), ông Đinh Hài, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, Hội viên Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam đề nghị về phía chính quyền cần có chính sách tạo nhận thức chung về hỗ trợ phát triển văn hóa ẩm thực, tạo điều kiện hình thành các vùng nguyên liệu sạch, các đường phố ẩm thực sạch đẹp, đồng thời khuyến khích nhà nông tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cung cấp đầu vào cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực. Các nghệ nhân cần tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ẩm thực để phát huy ngày càng tốt cá giá trị ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, liên kết các bên, chuẩn hóa về đào tạo chế biến món ăn.

Cảm ơn và đánh giá cao sự hiện diện của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng lãnh đạo các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch, ông Lã Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là sự quan tâm rất ý nghĩa của cơ quan quản lý nhà nước, mang lại sự thành công cho sự kiện. Ông mong muốn trong thời gian tới sẽ hình thành các sản phẩm ẩm thực tốt và được quảng bá rộng rãi, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân ẩm thực và doanh nhân. Ông đề nghị các sở quản lý văn hóa, thể thao và du lịch ở các địa phương miền Trung tiếp tục hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực này thông qua xây dựng chính sách, tạo điều kiện hình thành các hội văn hóa ẩm thực ở địa phương để bảo tồn và phát huy ngày càng tốt các giá trị ẩm thực.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệm Sông Hàn cho rằng trong quá trình thương mại hóa các giá trị văn hóa ẩm thực, cần có mô hình kinh doanh tốt. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức nhất định trong việc nghiên cứu, xác định thị trường, chuẩn hóa quy trình, đào tạo nhân sự, phát triển thương hiệu, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng chi phí… Do vậy, cần có sự phối hợp các nguồn lực nhà nước và tư nhân nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) phát biểu tại hội thảo

Đánh giá cao chất lượng của hội thảo trực tuyến về văn hóa ẩm thực, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, chưa mở cửa thị trường quốc tế thì xúc tiến quảng bá trực tuyến là cách thức đem lại hiệu quả nhất, đưa du lịch, văn hóa, ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá để giới thiệu du lịch ra thế giới thông qua các kênh truyền hình, website, mạng xã hội. Ông Phương cho rằng với những hiệu quả đạt được, kể cả sau dịch bệnh, hoạt động trực tuyến vẫn sẽ là một xu hướng chủ đạo của tương lai. Trong thời gian tới, bên cạnh các hội thảo này cần có các chương trình trực tuyến giới thiệu cụ thể về các món ăn đặc sắc của các vùng miền trong nước.

Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, nhà quản lý cũng như của các độc giả theo dõi trực tuyến chương trình. Các ý kiến đều nhất trí rằng Việt Nam có những giá trị văn hóa ẩm thực rất phong phú và quý báu, cần phát huy một cách mạnh mẽ, hình thành thương hiệu ẩm thực Việt Nam trên thế giới. Để làm được điều này, điều quan trọng là cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên từ cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân ẩm thực, nhà nông, doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị bền vững, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Sự hợp tác sẽ giúp mang lại những cách làm mới mẻ, sản phẩm mới mẻ nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị truyền thống đặc sắc.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT