Hoạt động của ngành

Tiên Yên (Quảng Ninh): Hệ thống di tích cách mạng cần sớm được đầu tư

Cập nhật: 31/08/2020 10:47:13
Số lần đọc: 1548
Huyện Tiên Yên có nhiều di tích cách mạng và hệ thống các công trình kiến trúc Pháp cổ điển… Các di tích điển hình nhất có thể kể tới là Di tích lịch sử Khe Tù, Khe Giao, Trận chiến thắng Điền Xá trên đường số 4. Cả 3 di tích đều đã được xếp hạng cấp tỉnh. Các điểm di tích đang được kiểm kê hoặc xác định giá trị như Đồn Cao (thị trấn Tiên Yên), núi Hậu Sơn (xã Tiên Lãng), núi Chị Thư (xã Hải Lạng), gốc đa thôn Tềnh Pò (xã Phong Dụ)…  


Công trình nhà thương tại di tích Khe Tù còn lại đến ngày nay.

Trận chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 diễn ra ngày 4/3/1949 là trận mở đầu cho chiến dịch Đông Bắc II của quân ta. Nhiệm vụ của quân dân Quảng Ninh, trong đó có Tiên Yên trong trận đánh này là “Đánh phục kích lớn để đập tan bọn ngụy Voòng A Sáng, tiêu diệt tiếp tế và tiếp viện, phá hoại triệt để đường số 4, bám chắc và giữ vững cơ sở hiện có ở vùng biên giới”. Chỉ trong 30 phút chiến đấu, quân ta làm chủ trận địa, diệt 125 tên địch, bắt sống 25 tên, phá 16 xe vận tải quân sự, thu 68 súng các loại, 2 máy vô tuyến điện, 10 bình ắc-quy, 1 rađiô, qua đó giành được thắng lợi.

Di tích lịch sử Khe Giao là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên vào tháng 10/1948, tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Yên ngày nay. Từ khởi đầu Khe Giao, Tiên Yên chính thức có sự “soi đường chỉ lối” của Đảng, đến nay Đảng bộ huyện Tiên Yên đã trải qua 24 kỳ đại hội và có trên 2.400 đảng viên.

Di tích lịch sử Khe Tù là di tích lớn về quy mô, tính chất và ý nghĩa, chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp giam cầm, tra tấn và giết hại nhiều dân thường và chiến sĩ cách mạng, cũng là nơi chứng kiến ý chí cách mạng kiên trung của chiến sĩ ta. Những dấu vết còn lại của di tích cho thấy hệ thống các phòng giam, các hầm ngầm, hầm bí mật, máy chém, bể chứa xác, hệ thống giao thông hào, dây thép gai, bốt, đồn canh, hố chôn tập thể… cùng công trình nhà thương đồ sộ. 

Trải qua thời gian, không ít những di tích cách mạng, công trình kiến trúc tại Tiên Yên bị mai một, xuống cấp thậm chí không còn dấu vết. Bằng sự nỗ lực lớn, nhiều di tích trong đó đã được phục dựng, tái hiện phần nào dấu vết xưa, tuy nhiên nhìn chung mức độ đầu tư là nhỏ bé, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. Chỉ tính 3 di tích tiêu biểu là Khe Tù, Khe Giao, Trận chiến thắng Điền Xá trên đường số 4, hiện chưa có công trình nào được xây dựng có thể làm nổi bật tính chất, quy mô của di tích, qua đó trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Cụ thể Trận chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 đến giờ chỉ là âm vang lịch sử của hơn 70 năm trước, chưa có công trình hiện hữu nào, dù chỉ là một tượng đài chiến thắng hay nhà bia ghi danh, ghi công như mong mỏi nhiều năm qua của nhân dân. Tại di tích lịch sử Khe Giao mới có con đường nhỏ dẫn lên di tích, biển ghi di tích ngoài ra chưa có công trình nào thêm. Riêng di tích Khe Tù, hơn 70 năm kể từ khi nhà tù này đóng cửa hầu như chưa từng được tu sửa gì đáng kể ngoài một đài tưởng niệm nhỏ. Các hạng mục công trình đều trong tình trạng hư hỏng, nhiều hạng mục không còn. Một phần diện tích di tích hiện được sử dụng vào mục đích dân dụng, khiến hình ảnh di tích có phần nhếch nhác. Đáng nói với di tích Khe Tù cũng khó triển khai các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, do di tích đang nằm trong diện tích đất quốc phòng và chưa có một đơn vị quản lý chuyên biệt.

Có thể thấy hệ thống các di tích cách mạng trên địa bàn huyện Tiên Yên thật sự quý giá, là sự thể hiện hùng hồn nhất diễn biến một thời kỳ lịch sử mà qua đó toát lên tinh thần cách mạng của quân và dân ta. Chính bởi vậy những di tích này cần được quan tâm, đầu tư tương xứng, tránh để mất mát, hoang phí như hiện nay.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục