Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Điện Thái Hòa và Kiến Trung sẽ mở cửa đón khách tham quan dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Cập nhật: 04/01/2024 15:18:15
Số lần đọc: 630
Điện Thái Hòa và điện Kiến Trung, hai cung điện quan trọng thuộc hệ thống các cung điện của triều Nguyễn sẽ mở cửa để phục vụ du khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sau thời gian dài trùng tu.

Thông tin trên được ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2024 của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng ngày 4/1.

Theo đó, sau hơn 2 năm đóng cửa để trùng tu, du khách chỉ có thể tham quan thông qua hình thức du lịch thực tế ảo thì Tết Nguyên đán năm nay, điện Thái Hòa sẽ được đơn vị quản lý tạm bỏ hàng rào bảo bệ, dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan khu vực và trưng bày bên trong để phục vụ du khách.

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay và là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điện Thái Hóa trước thời điểm được trùng tu tổng thể.

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được tiến hành trùng tu tổng thể từ tháng 11/2021, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Theo ông Hoàng Việt Trung, cùng với việc mở cửa tại điện Thái Hòa thì điện Kiến Trung, một cung điện quan trọng khác cũng sẽ mở cửa đón khách tham quan vào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sau thời gian dài tu bổ, phục hồi.

Theo tìm hiểu, điện Kiến Trung được xây dựng từ năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Ngôi điện này là một trong năm công trình lớn nằm ở cực Bắc trục thần đạo xuyên qua trung tâm Tử Cấm Thành. Sau khi vua Khải Định qua đời, vua Bảo Đại đã cho cải tạo lại nội thất, lắp đặt thêm các tiện nghi phương Tây, còn phần ngoại thất vẫn giữ nguyên. Từ đó, điện Kiến Trung trở thành nơi ở của cả gia đình nhà vua.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 29/8/1945, điện Kiến Trung trở thành chứng nhân của sự kiện vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ lâm thời. Đến năm 1947, công trình bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.

Điện Kiến Trung thời điểm đang trùng tu vào tháng 8/2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài những giá trị mang tính lịch sử, điện Kiến Trung còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc và mỹ thuật khi có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý pha trộn kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Ngày 16/2/2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành khởi công dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung". Đến nay, việc tu bổ, phục hồi cung điện này cơ bản đã hoàn thiện.

"Dịp Tết Nguyên đán năm nay, điện Kiến Trung sẽ lần đầu tiên được mở cửa để đón khách vào tham quan. Tại đây, chúng tôi sẽ trưng bày hiện vật, thuyết minh những câu chuyện liên quan. Ngoài ra, trung tâm sẽ trưng bày một số sản phẩm lưu niệm đặc trưng để phục vụ người dân và du khách", ông Hoàng Việt Trung thông tin thêm.

Tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2024, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, ngành du lịch tỉnh đã đón được 3.175.912 lượt du khách, tăng 54,4% so với năm 2022; trong đó có 1.170.236 lượt khách quốc tế, tăng gần 345%, có 2.005.676 lượt khách nội địa, tăng 12,2% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.605,6 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2022; các chỉ tiêu về du lịch đạt mục tiêu năm 2023 đề ra.

Đáng chú ý là lượng du khách tàu biển quay trở Thừa Thiên Huế tăng đáng kể; đã có 25 chuyến tàu đưa 33.097 khách du lịch đến Cảng Chân Mây. Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài từ khi đi vào vận hành đã khai thác được 70 chuyến bay quốc tế đến và đi từ các thành phố: Incheon (Hàn Quốc), Côn Minh (Trung Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) với 7.322 hành khách.

Trong năm 2024, ngành du lịch Thừa Thiên Huế dự kiến đón khoảng 3,5-4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500-8.000 tỷ đồng.

Lê Chung

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 04/01/2024

Cùng chuyên mục