Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích

Cập nhật: 25/01/2021 10:38:11
Số lần đọc: 1140
Sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là ngôi làng cổ thứ 2 được Nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích quốc gia. Tại đây không gian làng quê đậm chất Bắc Trung Bộ còn được lưu giữ một cách nguyên vẹn.

Làng cổ Phước Tích còn lưu giữ những ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi
 
Là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia, với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chăm Pa... nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các đặc trưng độc đáo từ xa xưa của không gian làng quê Bắc Trung Bộ. Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) ngày nay đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện làng cổ Phước Tích đã triển khai được 9 loại dịch vụ gồm: Tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch. Bên cạnh đó, làng cổ Phước Tích hiện có 11 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay.
 
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết, làng cổ Phước Tích với hệ thống kiến trúc nhà rường cổ, có từ hàng trăm năm tuổi đã tạo nên dấu ấn đặc sắc của ngôi làng cổ. Cùng với nghề gốm truyền thống nơi đây, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hiện nay nghề gốm đang dần hồi sinh và phát triển, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm nghề gốm.
 
Với những nét độc đáo của những ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích nằm ở quần thể kiến trúc độc đáo thể hiện qua những nét chạm trổ công phu, tinh xảo với những hình ảnh tứ linh, bát bửu, mai, lan, cúc, trúc, mây cuộn…Không dừng lại ở những giá trị nghệ thuật, nhà rường còn là biểu tượng cho truyền thống của sự nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ.
 
Tiếp đến, ngay tại chính giữa của ngôi làng là địa danh Miếu cây thị. Tên gọi này chính là hiện hữu của lối văn hóa xưa bởi lẽ, ngoài việc nằm ở địa thế long mạch và có vị trí chính giữa ngôi làng, ngôi miếu được xây dựng ngay bên cạnh cây thị đến nay đã có tuổi đời hơn 600 năm – một loại cây có vị trí đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng và tiềm thức của người dân làng Phước Tích. Xem xét lối kiến trúc của miếu thờ, của bình phong, cách trang trí chim Phượng ở cửa ra vào cũng như cách thờ tự, người ta nhận định rằng Miếu cây thị là nơi thờ Thánh Mẫu PoNagar của người Chăm đã được Việt hóa. Đến nay, việc cúng tế tại miếu vẫn được duy trì và diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm – cũng là ngày Xuân tế của làng.
 
Các vị cao niên của làng cổ Phước Tích kể lại, ban đầu làng có nhiều tên gọi khác nhau như là Phúc Giang - mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc hay Hoàng Giang - để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Tiếp đến đời Vua Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích - như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu. Đặc ân to lớn khi được chính nhà vua đặt tên cho làng gắn liền với với sản phẩm gốm truyền thống ở nơi đây.
 

Phiên chợ quê Hương xưa Làng cổ thu hút du khách gần xa
 
Theo đó, nghề gốm truyền thống của làng Phước Tích ra đời cùng với quá trình di dân lập ấp của người dân (năm 1470). Phước Tích của ngày xưa nức tiếng với nghề gốm. 12 Cửa lò, 12 bến nước là chứng tích còn lại của một thời huy hoàng với nghề gốm. Gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung. Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được trạm chổ tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào. Nhờ những nghệ nhân gốm tài ba và rất sáng tạo, sản phẩm của Phước Tích mang đậm dấu ấn riêng. Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng. Ghe xuôi về xứ Quảng, ghe ngược về miền Thanh Nghệ Tĩnh, ghe về dưới Huế chở gốm vào Hoàng cung... Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè… Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
 
“Sản phẩm làng gốm Phước Tích chủ yếu sản xuất ra các vật dụng phục vụ trong đời sống hằng ngày của người dân. Hiện nay gốm Phước Tích đã tạo dựng được thương hiệu qua các hội chợ, các dịp lễ, các kỳ Festival, để quảng bá đến với du khách gần xa” – anh Lương Thanh Hiền một nghệ nhân gốm Phước Tích cho biết.
 
Xuôi theo dòng Ô lâu hiền hòa và thơ mộng, chúng ta có thể bắt gặp những giá trị mà ngôi làng cổ Phước tích còn giữ lại, với truyền thống nghề gốm từ xưa mang lại nét đặc trưng cho ngôi làng. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích. Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đang được triển khai thực hiện tại làng cổ Phước Tích đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi nhà rường cổ có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật.
 
Với 26 ngôi nhà rường cổ có tuổi đời trên 100 năm, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật.  Bên cạnh đó là hệ thống nhà thờ họ, phái, công trình di tích, tôn giáo, tín ngưỡng mang văn hóa Chăm Pa, 12 bến nước đặc trưng của miền quê xứ Huế cùng với nghề làm gốm truyền thống Phước Tích nổi tiếng một thời... “Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” sẽ góp phần hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh ngôi nhà rường xứ đặc trưng của Huế ” Ông Nguyễn Vũ - Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích khẳng định.
 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong một chuyến tham quan và thưởng thức các món ẩm thực tại chợ quê Hương Xưa Làng Cổ Phước Tích
 
Ngoài thương hiệu “Hương xưa làng cổ” nằm trong chuỗi các hoạt động trong mỗi dịp Festival Huế, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Việc phát triển du lịch ở Phước Tích cũng có nhiều bước khởi sắc hơn. Năm 2020 đã tổ chức phiên Chợ quê Hương xưa Làng cổ, đã thu hút được du khách đến trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, và tham quan các giá trị di sản tại Phước Tích. Đặc biệt, Ban Quản lý làng cổ Phước Tích đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình “Học sinh về với di sản” để cho các em học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu thêm nhiều về lịch sử, giá trị văn hóa dân gian. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông.
 
Để tiếp tục phát huy giá trị và phát triển các loại hình du lịch ở Phước Tích, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 3334/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Theo đó, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững và tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế - văn hóa và xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để UBND huyện Phong Điền có cơ sở để lập các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng đổng thời đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái phù hợp với không gian kiến trúc nghệ thuật của làng cổ. Qua đó, nâng tầm giá trị của làng cổ Phước Tích để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn: thuathienhue.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT