Hoạt động của ngành

Thành phố Lạng Sơn: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 01/10/2020 09:03:50
Số lần đọc: 786
Thành phố Lạng Sơn là địa bàn có hệ thống di tích lịch sử – văn hóa phong phú và đa dạng. Với những lợi thế đó, thời gian qua, UBND thành phố Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả thiết thực.

Có mặt tại di tích đền Cửa Bắc, phường Chi Lăng vào những ngày đầu tháng 9/2020, chúng tôi không khỏi bất ngờ với chiếc tủ đựng tờ rơi, tập gấp giới thiệu về du lịch thành phố được đặt gần cửa đền, thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Anh Hoàng Văn Dũng, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Tôi đã đến Lạng Sơn tham quan nhiều lần nhưng chưa thấy chiếc tủ này bao giờ. Ở đây có nhiều thông tin hay, thú vị về du lịch của thành phố Lạng Sơn. Trên tủ còn niêm yết số điện thoại của cơ quan chức năng để khách du lịch liên hệ.

Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, phòng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường thành lập và kiện toàn ban quản lý di tích, tăng cường quản lý các hoạt động tại di tích; hướng dẫn các quy trình đề nghị, xếp hạng; lập hồ sơ xin phép trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá…

Du khách tìm hiểu các tờ rơi, tập gấp về du lịch thành phố Lạng Sơn tại đền Cửa Bắc, phường Chi Lăng

Từ đầu tháng 7/2020, UBND thành phố đã lắp đặt 7 tủ đựng catalog, tờ rơi tại các di tích để quảng bá  du lịch. Cùng đó  niêm yết quy tắc xử sự chung và số điện thoại của các cơ quan liên quan tại 10 điểm du lịch, di tích.

Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, UBND thành phố đã in 10.000 tờ rơi giới thiệu về du lịch thành phố phát cho du khách thông qua các điểm di tích, hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn; thành lập đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích, du lịch và tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ này. Song song với đó, hằng năm, UBND thành phố mời các chuyên gia nghiên cứu, khảo sát hiện trạng hệ thống tượng thờ, bài trí; đề xuất và xây dựng phương án điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống thờ tự cho phù hợp. Đồng thời, tổ chức hội thảo khoa học nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Từ đó, xây dựng nhiều giải pháp thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Hiện, thành phố Lạng Sơn có 28 di tích trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Gắn với quảng bá, chính quyền thành phố quan tâm tu bổ, tôn tạo để bảo tồn giá trị các di tích. Theo đó, một số di tích xuống cấp đã và đang được xây dựng, tu bổ kịp thời như: đền Cửa Bắc, đền Cửa Nam, đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ… Từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố Lạng Sơn đã xây dựng, tôn tạo 21 di tích với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa trên 36 tỷ đồng.

Nhờ sự đầu tư tôn tạo di tích gắn với du lịch đã giúp di tích vừa có điều kiện được bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh thu hút ngày càng đông khách tham quan như: đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ, chùa Thành, chùa Tam Thanh… Đáng chú ý, năm 2020, điểm di tích chùa Tiên – giếng Tiên đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh.

Đến nay, thành phố Lạng Sơn là địa bàn có nhiều nhất số điểm di tích được công nhận là điểm du lịch của tỉnh, với 13/15 điểm.

Thời gian tới, các cấp, ngành thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Đặc biệt thực hiện nhiều giải pháp ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; phối hợp với các đơn vị lữ hành giới thiệu, quảng bá tour du lịch “Tam động – Tứ trấn”…

TUYẾT MAI
Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục