Non nước Việt Nam

Thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Cập nhật: 18/03/2022 05:13:40
Số lần đọc: 644
Văn Thánh Miếu tọa lạc tại đường Trần Phú, phường 4, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn, sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh dạnh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ nhiều dấu ấn về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa.  


Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 14 (năm 1862), tại  khu đất phía nam thành Vĩnh Long, thuộc làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình. Công trình khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866). Bên trái Văn miếu, gần sông, kiến tạo một Thơ Lầu để chứa kinh sách.

Sau khi công trình hoàn thành, triều đình Huế cấp miếu phu để quét dọn hàng ngày, đồng thời giới quan lại, sĩ phu cũng thành lập Hội Văn Thánh miếu để trông nom, cúng tế. Tuy nhiên, nơi đây chỉ diễn ra lễ tế đức Khổng Tử theo đúng điển lễ triều đình một lần duy nhất vào năm 1867. Sau đó thực dân Pháp chiếm Vĩnh Long, quân viễn chinh Pháp định phá bỏ Văn Thánh Miếu để xây dinh tỉnh trưởng. Trước hoàn cảnh như vậy, đồng bào Vĩnh Long đề cử ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (tức Bá hộ Nọn) đứng ra thương lượng với quân Pháp xin giữ lại được công trình văn hóa này.

Dù xây dựng muộn nhất so với các Văn miếu khác trong cả nước nhưng sự tồn tại, phát triển đến nay đã khẳng định Văn Thánh miếu Vĩnh Long không chỉ là “bảo vật”, là niềm tự hào riêng của Vĩnh Long mà của cả Nam bộ và cả nước. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa  - Thông tin công  nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25/3/1991.

Từ khi ra đời đến nay, Văn Thánh Miếu trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994 và gần đây nhất là vào tháng 6/2006. Điều đáng nói là, dù trải qua nhiều lần trùng tu của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng về cơ bản Văn Thánh Miếu vẫn giữ được nét riêng, nét cổ kính quí giá.

Từ bờ sông Long Hồ nhìn vào, sát đường là Cổng Tam Quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái.

Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành, hai bên đường là hai hàng sao cao vút.

Chính giữa điện Đại Thành là khánh thờ bài vị và chân dung “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Phu Tử”.

Văn Xương Các là một công trình văn hoá đặc sắc góp phần làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Văn Xương Các trước kia còn có tên gọi là Thơ Lầu, Tân Đình hay Tuỵ Văn Lâu.

Khẩu thần công bên cạnh Văn Xương Các.

Vào dịp diễn ra lễ hội, rất đông du khách thập phương về tham dự.

Hoàng Mẫn - Văn Ẩn

Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 17/03/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT