Tham quan di tích quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng tỉnh Phú Yên
Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng
Theo hồ sơ, trước sự càn quét của kẻ thù, Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Chỉ huy quân sự Khu V quyết định đào địa đạo tại Gò Thì Thùng. Công trình khởi công vào ngày 10.5.1964, đến tháng 8.1965, địa đạo Gò Thì Thùng đã hoàn thành. Công trình địa đạo chạy theo hướng Bắc - Nam, xuyên qua Gò Thì Thùng với tổng chiều dài gần 2 km, có độ sâu trung bình 5m so với mặt đất, chiều rộng 0,8m, chiều cao 1,6m đến 1,8m đủ tầm người đứng và hoạt động khi mang ba lô, vũ khí và các phương tiện chiến đấu.
Đỉnh đường hầm cách mặt đất từ 3m - 3,5m, ngoài đường hầm chính và đường nhánh dưới mặt đất xung quanh Gò Thì Thùng, quân ta đào nhiều lớp chiến hào chằng chịt thông với nhau và thông với địa đạo. Dọc theo chiến hào, quân ta bố trí nhiều công sự chiến đấu, giữa những lớp giao thông hào ở phía trước và phía sau địa đạo, quân ta cắm những bãi chông, bao gồm chông thấp, bộ binh hành quân và cọc cao chống máy bay hạ cánh đổ quân. Ghi dấu ấn là trận đánh ngày 24.6.1966, đó là chiến công lớn nhất của quân và dân gắn với địa đạo Gò Thì Thùng. Trong trận này, công trình địa đạo Gò Thì Thùng phát huy cao nhất công năng sử dụng, vừa là nơi bảo vệ Sở Chỉ huy vừa bảo vệ lực lượng chiến đấu, bảo vệ thương binh trong suốt thời gian chiến sự.
Điều đặc biệt, trong những năm tháng đào địa đạo, Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy An huy động trên 100 nghìn nhân công thực hiện. Địa đạo Gò Thì Thung là công trình quân sự kiên cố đã huy động rất lớn nhân công xây dựng hoàn thành để sẵn sàng đối phó với địch khi chúng áp dụng chiến lược chiến tranh có quy mô lớn. Sau ngày giải phóng, dấu vết chiến tranh trên Gò Thì Thùng còn in rõ bởi hố bom, bãi mìn và thuốc súng. Vì mang trong mình những giá trị lịch sử của tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung, địa đạo Gò Thì Thùng được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2008. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP.HCM), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng là một trong ba địa đạo lớn ở Việt Nam.
Đường xuống địa đạo
Ngày nay, để bảo tồn di tích, Sở VHTTDL Phú Yên và UBND huyện Tuy An đã thực hiện trùng tu và đưa di tích địa đạo Gò Thì Thùng vào khai thác. Đồng thời, kết nối với điểm di tích Nhà thờ Bác Hồ, cách di tích này khoảng 10 km đi từ xã An Xuân (huyện Tuy An) đến xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) để có những kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình về nguồn. Đến địa đạo Gò Thì Thùng, chúng tôi ghi nhận các hạng mục được trùng tu xây dựng gồm: Hai nhà che cửa hầm địa đạo, 3 nhà che giếng, lối đi xung quanh di tích, khôi phục 95 đoạn hào địa đạo và lắp đặt 10 bia hướng dẫn trong khu vực, một phòng lớn được xây với diện tích 154m2 làm phòng tiếp khách và trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, tư liệu trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Các hệ thống điện, nước và các hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng được lắp đặt đầy đủ để phục vụ du khách khi tới thăm quan di tích.
Cảm nhận về địa đạo Gò Thì Thùng nằm trên cao nguyên với độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, chị Nguyễn Thị Hoa (du khách Bình Định) chia sẻ: Theo giới thiệu của bạn bè, đây là lần đầu tiên gia đình tôi đến cao nguyên Gò Thì Thùng để du Xuân. Đường đến địa đạo Gò Thì Thùng khá thuận lợi. Đến đây, gia đình hiểu thêm về thế hệ cha anh, về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ để giáo dục cho con cháu… Khí hậu nơi đây khá mát mẻ và những món ăn địa phương dân dã như canh rau rừng, canh chua lá dít… khá hấp dẫn, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ thêm.
Phan Hiếu