Phú Yên: Độc đáo kiến trúc di tích bằng san hô
Hàng trăm năm trước, khi cộng đồng cư dân người Việt được hình thành tại Long Thủy, một số công trình phục vụ tín ngưỡng tâm linh đã được xây dựng như: đình thờ Thành Hoàng, lẫm làm nơi sinh hoạt cộng đồng, miếu thờ thần Bạch Mã, Thủy Long Thần Nữ, lăng thờ thần Nam Hải. Trong đó, lăng thờ thần Nam Hải là di tích có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với đời sống tinh thần của cư dân làng biển Long Thủy.
Lăng Long Thủy độc đáo được xây dựng bằng san hô
Theo những bậc cao niên ở Long Thủy, cá Ông được thờ cúng trong lăng rất linh thiêng gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí, nhất là trong việc giúp ngư dân vững vàng mỗi khi ra khơi bám biển. Đồng thời, là nơi cộng đồng dân cư Long Thủy thực hiện các hoạt động tín ngưỡng tâm linh liên quan đến các hoạt động đánh bắt trên biển. Đến nay, lăng Ông Nam Hải ở Long Thủy thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa, cũng như chứng tích về quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt trên vùng đất Phú Yên.
Đến lăng Long Thủy, có thể thấy vị trí và cảnh quan môi trường xung quanh mang nét đặc thù của một làng biển lâu đời, lại nằm trong khu vực có bãi biển đẹp, gần trung tâm thành phố biển Tuy Hòa. Do vậy có thể kết nối các di tích, thắng cảnh trên tuyến tham quan du lịch hấp dẫn, nhất là du lịch tâm linh.
Không những vậy, Long Thủy còn là một làng biển điển hình ở Phú Yên, nơi đây nhà cửa san sát, đi vào trong làng đâu đâu cũng sực nức mùi nước mắm ngon và các loại hải sản được chế biến.
Long Thủy nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho nghề biển
Hiện tại chưa có cơ sở tài liệu về văn tự để xác định cụ thể thời điểm xây dựng lăng nhưng căn cứ tư liệu truyền miệng, khảo sát dấu tích vật chất tại di tích và theo một số ngư dân cao tuổi, lăng Long Thủy được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Lăng có kiến trúc kiểu khung nhà (dân gian thường gọi là bộ giàn trò) bằng gỗ vững chắc, mái lợp ngói vảy, tường bao xung quanh xây bằng vật liệu san hô dày đến 50cm. Vì vậy, mặc dù nằm sát biển chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt nhưng lăng Long Thủy vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Từ năm 1945-1975, do chiến tranh ác liệt nên lăng không được quản lý chu đáo và xuống cấp dần. Sau đó, ngư dân Long Thủy đóng góp tài lực tu sửa lăng và xây dựng thêm một số hạng mục công trình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng tâm linh.
Ông Trần Như Đang, thành viên trong Ban trị sự lăng Long Thủy cho biết: Năm 2018, UBND tỉnh Phú Yên đã công nhận lăng Long Thủy là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui, vinh dự đối với người dân địa phương. Hằng năm, vào trung tuần tháng 6 âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội Cầu ngư với những nghi thức đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách đến xem. “Cộng đồng ngư dân chúng tôi rất vui mừng, bởi hiện nay lăng Long Thủy đã được UBND TP Tuy Hòa đưa vào đề án phát triển du lịch cộng đồng. Như vậy, hình ảnh về vùng đất, con người, các tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng tại vùng biển này sẽ được quảng bá rộng rãi và mạnh mẽ hơn trước”, ông Đang bày tỏ.
Ngày nay, lăng Long Thủy được người dân đóng góp tài lực tu sửa, xây dựng thêm một số hạng mục công trình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng tâm linh
Đề cập đến phát triển du lịch cộng đồng tại làng biển Long Thủy, ông Nguyễn Công, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa chia sẻ: Chúng tôi đã ban hành chương trình hành động về phát triển du lịch TP Tuy Hòa, tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài nước giai đoạn 2021-2025 và triển khai nhiều đề án, kế hoạch để cụ thể hóa chương trình hành động; trong đó có đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Long Thủy, xã An Phú. Với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa, ẩm thực phong phú là cơ sở để Long Thủy phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.
Theo ông Công, để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ngoài giải pháp của các ngành chức năng, rất cần sự hưởng ứng tham gia tích cực từ chính chủ thể của cộng đồng dân cư thôn Long Thủy, xã An Phú. Qua đó, góp phần xây dựng TP Tuy Hòa thành đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, hướng đến đô thị loại 1 vào năm 2025.
Phan Hiếu