Non nước Việt Nam

Thái Nguyên cần có cơ chế quản lý di tích quốc gia suối Mỏ Gà

Cập nhật: 12/07/2023 14:44:27
Số lần đọc: 469
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan, hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên được xếp hạng di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia khá sớm, từ năm 1994. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo tồn, khai thác di tích, danh thắng này đang bộc lộ nhiều bất cập, tỉnh Thái Nguyên cần ban hành cơ chế phù hợp để bảo tồn, phát huy giá trị di tích và bảo đảm lợi ích các bên liên quan.

Khu bảo tồn và khai thác di tích hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà.

Võ Nhai là huyện vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế-xã hội chưa phát triển như các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, Võ Nhai có một số di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có giá trị, cảnh quan đẹp, trong đó hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà có tiềm năng thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ở địa phương.

Thực hiện kêu gọi của địa phương, năm 2018 Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hanh Hạnh đầu tư dự án, sau đó chuyển giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa tiếp tục đầu tư dự án, quản lý Điểm du lịch cộng đồng hang Phượng Hoàng.

Đến nay, điểm du lịch cộng đồng này được đầu tư gần 70 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất, bảo tồn nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn tạo, xây dựng cảnh quan và tiến hành thu phí dịch vụ đối với du khách vào tham quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, theo quy hoạch Điểm du lịch cộng đồng hang Phượng Hoàng được cơ quan chức năng phê duyệt, đầu tư nằm liền kề với di tích, danh thắng suối Mỏ Gà. Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa trần tình: "Nếu điểm du lịch cộng đồng hang Phượng Hoàng không gắn với suối Mỏ Gà thì chúng tôi không bao giờ đầu tư số tiền rất lớn để xây dựng điểm du lịch này".

Khi điểm du lịch cộng đồng hang Phượng Hoàng được đầu tư tương đối hoàn thiện, tiến hành thu phí sử dụng dịch vụ đối với du khách thì diễn ra bất cập. Cụ thể, những du khách chỉ có nhu cầu vào thăm hang Phượng Hoàng không có đường riêng mà phải qua cổng thu phí của điểm du lịch nên phải mua vé. Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên chưa ban hành quy định thu phí tham quan di tích, danh thắng.

Theo phân cấp quản lý, Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai được giao quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh thắng hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà và địa phương này đã thành lập Ban Quản lý di tích này, danh thắng, bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện là Trưởng Ban, thành viên là đại diện các cơ quan, phòng chức năng, lãnh đạo xã Phú Thượng và lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, kiêm Trưởng Ban Quản lý di tích, danh thắng hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà Vũ Thị Huệ cho biết: “Ban này được thành lập theo quy định, phân cấp quản lý, nhưng trên thực tế các thành viên trong Ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, không có nhân lực, không có kinh phí quản lý, bảo vệ, bảo tồn di tích mà toàn bộ công việc này được giao cho một thành viên trong Ban là lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa chịu trách nhiệm”.

Đến nay, huyện Võ Nhai không chi ngân sách cho việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà mà toàn bộ các công việc này đều do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa bố trí nhân lực bảo đảm an toàn cho du khách, trông coi, bảo vệ, quét dọn vệ sinh, đầu tư tôn tạo cảnh quan mà theo công ty này, mỗi năm chi cho công việc nêu trên là 600-700 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Huệ chia sẻ, tỉnh chưa ban hành cơ chế thu phí tham quan di tích, danh thắng, trong khi di tích, danh thắng hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà không có đường riêng, du khách phải qua cổng thu phí Điểm du lịch hang Phượng Hoàng nên phải mua vé là bất cập, làm nhiều du khách băn khoăn. Nếu làm đường riêng đến hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà thì không chỉ phá vỡ quy hoạch mà cảnh quan trong khu vực cũng sẽ bị phá vỡ, không gian trở nên ngột ngạt và huyện không có nhân lực quản lý, không có kinh phí vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan di tích, danh thắng.

“Thời gian vừa qua chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vướng mắc này, giải pháp được đưa ra là du khách lẻ, khách đoàn có nhu cầu tham quan hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà vào ngày thứ ba hằng tuần thì đăng ký để Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa đón tiếp, hướng dẫn tham quan di tích, danh thắng miễn phí”, bà Huệ cho biết thêm.

Du khách tham quan Điểm du lịch cộng đồng hang Phượng Hoàng nằm liền kề danh thắng suối Mỏ Gà.

Khi có quy định mang tính chất tạm thời này, đã diễn ra nhiều vấn đề phức tạp khác. Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa chia sẻ: Vào ngày thứ ba hằng tuần, chúng tôi không thể có đủ nhân lực bố trí đưa đón, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho du khách tham quan di tích, danh thắng. Đồng thời, không thể quản lý được du khách đi qua điểm du lịch, dẫn đến mất trật tự, không gian, cảnh quan của chúng tôi bị xâm hại.

Với thực trạng hiện nay, bài toán bảo tồn và khai thác di tích, danh thắng hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, xung đột các lợi ích đang diễn ra ngày càng gay gắt. Di tích, danh thắng cấp quốc gia này chỉ có thể được bảo tồn, tôn tạo thường xuyên khi nó được khai thác để phát triển du lịch; ngược lại, chỉ có thể phát triển du lịch thì di tích, danh thắng này mới được bảo tồn hiệu quả.

Giải quyết vấn đề này và bảo đảm lợi ích nhà nước, du khách và nhà đầu tư Điểm du lịch hang Phượng Hoàng, tỉnh Thái Nguyên cần nghiên cứu, sớm ban hành quy định thu phí tham quan di tích, danh thắng hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà. Đó là quy định phù hợp pháp luật và đúng thẩm quyền.

Thế Bình

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 11/07/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT