Non nước Việt Nam

Tết Hoa - Nét văn hóa đặc sắc dân tộc Cống ở Điện Biên

Cập nhật: 12/12/2019 10:56:26
Số lần đọc: 976
Cuối tháng 11 vừa qua, đồng bào dân tộc Cống xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cùng với đồng bào Cống ở các xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) và xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) đã vinh dự được đón Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa (theo tiếng của đồng bào Cống là Mền Loóng Phạt Ái) theo Quyết định số 446/QÐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Ðây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Cống được duy trì khá nguyên vẹn đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Ðiện Biên.

Tết Hoa thường tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm (khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch). Do người Cống ở giáp biên giới Việt - Lào, nên tính theo lịch của người Lào, một năm chỉ có 10 tháng. Ðây là thời điểm khi vụ thu hoạch đã xong, công việc nương rẫy trong năm kết thúc. Tết Hoa là dịp để đồng bào chuẩn bị đón mừng năm mới, cùng hướng về cội nguồn tổ tiên, cùng tôn vinh bản sắc, nét đẹp truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mình. Theo phong tục, trước Tết Hoa chừng hơn một tháng, người Cống sẽ chọn ra những cặp sản vật ngon nhất, quý nhất của mùa vụ trong năm như: Bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, gà, rượu để dâng lên thần linh và tổ tiên. Sau khi đã hoàn tất khâu chuẩn bị lễ vật, trai tráng trong bản bắt đầu rèn luyện sức khỏe để tham gia thi đấu trong lễ hội, phụ nữ Cống chọn trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc vào ngày Tết. Trước ngày Tết Hoa, già làng phát lệnh cấm bản (người trong và ngoài bản không được tự do ra vào). Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Trước đây, lễ diễn ra từ 3 - 4 ngày, nay rút ngắn lại chỉ còn 1 ngày, 1 đêm.

Tết Hoa gồm 2 phần: lễ và hội, phần lễ tổ chức tại nhà thầy cúng hoặc trưởng dòng họ. Ngay từ sáng sớm, chủ lễ mỗi gia đình sẽ lên nương hái hoa về trang trí trong nhà. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp; loại hoa này được coi là cầu nối 2 thế giới âm - dương, là vật mở đường cho linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ hội, bản làng... Sau khi trang trí, chủ lễ tiếp tục mang lễ vật và hoa mào gà đến nhà thầy cúng. Sản vật cũng được dâng lên đầy đủ theo cặp, theo đôi, đến giờ tốt, thầy cúng đánh hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết Hoa bắt đầu. Thầy cúng gọi thần thổ địa, tổ tiên, mẹ về chứng kiến, thay mặt cho dân bản báo cáo tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, an lành… Làm lễ cúng xong, thầy cúng nâng chén rượu đầu tiên chúc mọi người sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt. Sau nghi thức tế lễ tại nhà già làng, những hoạt động như: Ði phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát mới được bắt đầu. Khi các nghi lễ của Tết hoa kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà, thay lời gia chủ kính cẩn trước bàn thờ báo cáo và khấn cầu cho gia đình.

Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Múa hổ, múa thu hái, múa gieo hạt… và các môn thể thao như bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh cù… Suốt trong những ngày Tết, cả bản tưng bừng trong không khí lễ hội, họ nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết và cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống rồi nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này.

Tết Hoa của dân tộc Cống là một nét văn hóa độc đáo, khẳng định quá trình hình thành, tồn tại và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Tết Hoa cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng mang đậm triết lý nhân sinh. Tết không chỉ để tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe, may mắn cho mọi người mà còn là dịp để cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Ðây cũng chính là dịp để gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc thông qua những lời khấn của thầy mo thay mặt cho các gia đình trong bản./.

 


 

Nguồn: baodienbienphu.info.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT