Non nước Việt Nam

Người Dao đỏ đất Dương Quỳ (Lào Cai) đặt tên cho con

Cập nhật: 10/12/2019 10:56:49
Số lần đọc: 857
Cái tên thường bắt đầu từ gửi gắm tâm tư, ước mơ, nguyện vọng của bố mẹ, dòng họ. Sự khởi đầu này được trân trọng, viết hoa, được chở con thuyền ước vọng suốt cuộc đời của một con người. Bởi vậy khi đặt tên cho đứa trẻ, đại đa số các gia đình tìm cái tên mang một ý nghĩa nhất định, không chỉ để gọi, để nhớ, mà gửi vào đó niềm mong ước về sức khỏe, thành đạt, thông minh.


Người Dao đỏ trước khi làm lễ trưởng thành phải làm lễ đặt tên cho con. Ảnh: Ngọc Bằng

Tôi may mắn được tham dự lễ đặt tên của người Dao đỏ đất Dương Quỳ (huyện Văn Bàn). Lần đó Triệu Phúc Vượng, ông bạn người Dao đỏ quê ở Dương Quỳ bảo tôi: “Mai tôi về quê dự lễ đặt tên đứa cháu, ông có đi cùng không?”. Tôi ngạc nhiên, làm lễ cúng mụ cho trẻ con mới chào đời thì nhà nào, dân tộc nào cũng làm, nhưng làm lễ đặt tên cho con thì tôi chưa nghe nói bao giờ. Đáp lại sự ngỡ ngàng của tôi, Vượng bảo: “Tên tuổi với người Dao không chỉ liên quan tới phần dương thế mà còn liên quan cả với phần âm nên quan trọng lắm, phải làm lễ đặt tên”. “Liên quan đến phần âm?...”, tôi buột miệng hỏi. Vượng giảng giải: “Người Dao đỏ quan niệm mọi vật sinh ra và mất đi đều do ông trời định đoạt, thử thách, sự sống hiện hữu ở trần gian chính là sự chuẩn bị cho linh hồn khi con người về thế giới bên kia. Quan niệm ấy gắn liền với chu kỳ của một đời người nên con người phải có cả mặt dương lẫn mặt âm”. Hóa ra triết lý nhân sinh âm dương đâu chỉ có ở các bậc học giả cao siêu mà nó đã hiện hữu truyền đời trong một cộng đồng dân tộc nhỏ bé sinh sống tận nơi xa xôi hẻo lánh. Tôi quyết định cùng Triệu Phúc Vượng cưỡi xe máy cà tàng tới Dương Quỳ quê Vượng, một bản heo hút cách thành phố Lào Cai hơn 100 cây số.

Nhà bố mẹ Vượng nằm giữa một xóm nhỏ gần đường cái. Triệu Phúc Thanh - em chú của Vượng, người có đứa con chuẩn bị làm lễ đặt tên ở với bố mẹ Vượng. Bố Vượng - ông Triệu Kim Bảo, đã được làm lễ cấp sắc 12 đèn, lại là thầy cúng có uy tín trong vùng nên ông tự tổ chức lễ đặt tên cho cháu. Cháu của Vượng đã có tên khai sinh là Triệu Ồng Nhỉ. Ông bà, bố mẹ làm lễ đặt tên cho cháu chuẩn bị các điều kiện để làm lễ cấp sắc (lễ trưởng thành). Tên của cháu được đặt theo vòng chu kỳ của dòng họ theo một thiết chế nghiêm ngặt và trở thành luật tục bất biến của gia đình, dòng tộc. Dòng họ Triệu của Vượng đặt theo bốn vòng đời, hết bốn vòng đời là Triệu Kim, Triệu Phúc, Triệu Vạn, Triệu Nguyên lại quay lại Triệu Kim, Vượng và Thanh là Triệu Phúc, theo quy định của vòng đời con Vượng, con Thanh sẽ là Triệu Vạn.

Đêm ấy, không gian tĩnh lặng đến trang nghiêm của núi rừng. Trên cao xanh hằng hà tinh tú như những hạt vừng vãi khắp bầu trời, trong nhà bên hai mâm cơm rượu cả gia đình quây quần, việc đặt tên mới theo tục lệ cho con của Thanh được bàn bạc kỹ lưỡng, cuối cùng mọi người thống nhất đặt tên dương của cháu là Triệu Vạn Quý, tên âm là Triệu Phù Sếnh. Vậy là ngày mai, sau lễ đặt tên, tên cháu chính thức được đưa vào gia phả của dòng họ Triệu. Dòng họ Triệu công nhận thêm một người đủ tuổi, đủ sức để chuẩn bị cho lễ cấp sắc. Việc định đoạt tên dương Triệu Vạn Quý, tên âm Triệu Phù Sếnh của cháu sẽ được viết vào giấy sớ dâng tổ tiên, sẽ được nhập vào gia phả dòng họ và theo cháu suốt cuộc đời.

Sáng hôm sau, khi ông mặt trời cõng chiếc lược vàng trồi lên khỏi núi cũng là lúc cả nhà Vượng tất bật chuẩn bị nghi lễ đặt tên cho cháu Triệu Vạn Quý - Triệu Phù Sếnh. Bố Vượng thắp hương cúng báo tổ tiên công việc làm lễ rồi ra ngồi xuống cái bàn phủ vải đỏ kê trang trọng giữa nhà, trịnh trọng viết vào tờ sớ vải đỏ ghi giờ sinh, ngày tháng năm sinh, tên dương, tên âm của đứa cháu nội. Mẹ Vượng, vợ chồng Thanh tất bật nhóm lửa đun nước làm gà. Vượng cùng tôi tỉ mẩn cắt giấy bản ra làm tiền âm. Quãng mặt trời lên cỡ con sào, anh em chú bác Vượng tíu tít đến, trên tay, trong lù cở người nào cũng có con gà, chai rượu, túi gạo nếp thơm đến chia vui với gia đình.

Mâm cỗ cúng báo tổ tiên được bày trước bàn thờ. Con gà trống tơ luộc, vật được chọn để tế lễ thần linh, tổ tiên được đặt trang trọng giữa mâm. Năm đĩa xôi năm màu gồm xanh, đỏ, tím vàng, trắng tượng trưng cho ngũ hành “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” bày quanh con gà. Một bát gạo trắng có ngọn với ước mong sự no đủ bày cạnh mâm. Bát nước nguồn mang ý nghĩa tẩy rửa bụi bẩn đặt cạnh con gà. Một vuông vải trắng trên đặt hai đồng bạc trắng để cúng sư phụ. Cạnh mâm trước mặt thầy là cặp Cháo làm từ hai miếng cật gốc tre già tượng trưng cho định mệnh âm dương. Những tệp tiền âm làm bằng giấy bản chồng cao trên bàn.

Giữa giờ Thìn, giờ đại an lễ cúng bắt đầu. Bố của Vượng trong trang phục sư phụ cất tiếng cúng. Thời gian cúng của sư phụ là 90 phút. Trong 90 phút làm cây cầu nối thần linh, tổ tiên, trời xanh với con cháu, sư phụ liên tục cúng, lễ bái, bắt quyết đuổi tà ma. Đúng giờ Ngọ, mọi người nín thở xem sư phụ xin âm dương. Hai mảnh Cháo trong tay sư phụ tung lên, mọi người thở phào, chỉ một lần thôi trời đất, thần linh, tổ tiên họ Triệu đã chấp nhận lòng thành của con cháu, lễ đặt tên đã hanh thông như nước chảy xuôi dòng. Lúc này ai nấy mới tất bật mổ gà, nấu cơm để cùng nhau ăn uống, mặc dù từ trẻ con đến người già từ tối hôm qua tới lúc này chưa có gì bỏ bụng.

Quả là chuyến đi lý thú trong đời, từ một cái lễ đặt tên nghiêm cẩn, từ những cuốn sách Nôm Dao úa màu thời gian mà cụ Triệu Kim Bảo và các già làng ở Dương Quỳ trân trọng gìn giữ và truyền lại cho con cháu, tôi nhận được bài học sâu sắc về nhân, lễ, trí, tín của dân tộc Dao đỏ. Mong rằng những việc làm cho cuộc sống giữ được nề nếp gia phong thế này mãi mãi trường tồn và nhân rộng.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT