Non nước Việt Nam

Sức sống sản phẩm thủ công làng nghề Việt ở chợ Hàn (Đà Nẵng)

Cập nhật: 20/09/2023 15:34:15
Số lần đọc: 488
Ở chợ Hàn, có những quầy hàng chỉ chuyên doanh các sản phẩm được lấy từ nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Với lợi thế về mẫu mã đẹp, tạo hình tinh xảo, có độ bền lâu; các sản phẩm đó đã trở thành tác nhân tạo thêm sức hút, kênh quảng bá hữu hiệu để góp phần đưa hàng “made in Việt Nam” đi xa hơn.

Các sản phẩm hàng, quà lưu niệm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng trên cả nước rất được du khách ưa chuộng. Trong ảnh: Khách Hàn Quốc đến tham quan, mua sắm tại chợ Hàn. Ảnh: Khánh Hòa

Sức sống bền bỉ

9 giờ sáng, lượng khách vào-ra tại quầy hàng lưu niệm Ngọc Liên nằm ở bên phải, mặt tiền chợ Hàn bắt đầu đông. Hầu hết là khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đến tham quan và mua sắm các mặt hàng lưu niệm như mũ, nón, túi xách, móc chìa khóa, dép… Thỉnh thoảng, một vài vị khách người Ấn Độ, khách đến từ các nước châu Âu cũng ghé vào cửa hàng ngắm nghía các sản phẩm một cách chăm chú.

Ở một góc khác của quầy hàng, hai cô gái người Hàn Quốc không rời mắt khỏi dãy túi xách và mủ đủ màu sắc, kiểu dáng. Nhẹ tay nhấc một chiếc mũ rộng vành rồi ướm thử lên người, dường như hài lòng nên cô gái người Hàn có tên Park Ga Yeon (22 tuổi) quyết định chọn lấy. Được biết, chiếc mũ được làm bằng sợ cói tự nhiên, có xuất xứ từ làng nghề truyền thống hơn 400 năm - mây tre đan Phú Vinh, thuộc huyện Chương Mỹ, cách thủ đô Hà Nội gần 40km.  Lựa chọn được món quà lưu niệm ưng ý, những vị khách tiếp tục hành trình tham quan, khám phá tại chợ Hàn…

Chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện với Đỗ Huy Hùng (26 tuổi, ở quận Hải Châu) tại quầy hàng lưu niệm Ngọc Liên, anh Hùng cho biết để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của du khách, anh và vợ chồng anh trai tìm hiểu thực tế tại nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trên cả nước để lựa chọn ra những sản phẩm chất lượng. Phần lớn các sản phẩm đang được bày bán có xuất xứ từ làng nghề mây tre đan Phú Vinh, thuộc huyện Chương Mỹ; ngoài ra, còn có các sản phẩm của làng nghề cói Kim Sơn và mây tre, thêu ren thuộc tỉnh Ninh Bình... Từ khi hoạt động du lịch của thành phố được phục hồi và dần khởi sắc trở lại từ đầu năm 2022, công việc kinh doanh của gia đình Hùng ổn định hơn.

Sau 4 năm phụ bán tại quầy, Hùng hiểu được phần nào thói quen và tâm lý khi mua sắm của các dòng khách: “Những mặt hàng này rất “hút khách” châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,Thái Lan, Ấn Độ… vì vừa tiện dụng vừa thời trang. Trong khi khách Hàn trẻ tuổi không quá kén chọn về sản phẩm, thường thích các loại mũ len, túi xách làm từ cói với mức giá trung bình từ 50.000 - 300.000 đồng/sản phẩm thì khách Nhật Bản lại khó tính hơn một chút và ưa chuộng những sản phẩm cao cấp với mức giá nhỉnh hơn (từ 150.000 - 450.000 đồng/sản phẩm. Để chọn mua một sản phẩm, khách Nhật Bản thường quan sát rất kỹ từng đường may, nếp gấp và quan tâm đến nhãn, mác, xuất xứ của sản phẩm. Ngược lại, khách châu Âu cũng hay hỏi han, tìm hiểu về sản phẩm nhưng vì tò mò là chính”.

Chúng tôi tiếp tục men theo lối nhỏ dẫn vào khu vực phía trong tầng 1 của chợ Hàn. Nơi thường được ví là “thủ phủ” của các mặt hàng đặc sản Đà Nẵng với đủ loại hải sản được sấy, ép, phơi khô… Nằm cạnh những quầy hàng đặc sản, quầy hàng lưu niệm của gia đình bà Trần Thị Kiều Tiên (60 tuổi) trở nên nổi bật với diện tích khá rộng rãi. Nhờ có vị trí khá “đắc địa”, nằm gần cổng ra vào bên hông chợ, nên quầy luôn có lượng khách đến tham quan, mua sắm khá ổn định. Ngoài các mặt hàng mũ, túi xách làm từ cói, nón Huế, túi xách thổ cẩm, sau dịch, bà Tiên lấy thêm các sản phẩm tấm lót, khay đựng được làm từ mây tre và khảm trai sơn mài có xuất xứ tại làng nghề truyền thống Bối Khê (xã Chương Mỹ, thủ đô Hà Nội) để tăng thêm sức hút với khách hàng.

Bằng kinh nghiệm gần 40 năm kinh doanh tại chợ Hàn, bà Kiều Tiên cho biết, những sản phẩm có độ tinh xảo và tính nghệ thuật cao như thế này thường được các nghệ nhân lành nghề chế tác ra; được tẩm sấy, xử lý cẩn thận và kỹ lưỡng ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, các mảnh nhỏ sơn mài được gắn bằng sơn ta nên có độ bền rất lâu. Cũng theo bà Tiên, sản phẩm hàng quà lưu niệm thì nhiều lắm, nhà buôn đến mời chào để bỏ mối bán hàng liên tục nhưng bà chỉ chọn các sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở trong nước với lý do yên tâm về chất lượng, mẫu mã và nguồn cung ứng ổn định.

Một mặt hàng lưu niệm truyền thống khác cũng được ưa chuộng tại chợ Hàn đó là nón nghệ thuật Huế. Giữa nhiều làng nghề làm nón thủ công ở Huế, dòng nón Tây Hồ - làng nghề nón Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, đã tồn tại hàng trăm năm) được các tiểu thương ở chợ Hàn ưa chuộng hơn cả bởi sự vượt trội về mẫu mã, chất lượng cũng như độ tinh xảo trong xử lý các đường may, tạo hình, pha màu mang đậm tính nghệ thuật cao. Với vốn hiểu biết của mình, bà Phan Thị Bích Huệ - chủ quầy hàng, quà lưu niệm Quỳnh Nga, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ chợ Hàn cho biết, ở làng nghề nón Tây Hồ không chỉ phụ nữ biết chằm nón mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung. Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng quá trình chế tác rất vất vả và kỳ công; yêu cầu sự khéo léo từ đôi bàn tay của người thợ. Người làm phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ... để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp.

Hiện nay, tại chợ Hàn có gần 20 gian hàng kinh doanh đủ chủng loại các sản phẩm hàng, quà lưu niệm như túi, giỏ xách, mũ, nón, thổ cẩm, gốm sứ, đồ mỹ nghệ… được bố trí ở khu vực trước mặt tiền chợ và ở phía trong tầng 1, tầng 2. Nhiều năm qua, các quầy chuyên doanh sản phẩm hàng quà lưu niệm có xuất xứ từ nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trên cả nước đã trở thành tác nhân tạo thêm sức hút, góp phần quảng bá sản phẩm “made in Việt Nam” đi xa hơn. Ngược lại, với lợi thế của Đà Nẵng - một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của cả nước, là môi trường thuận lợi để góp phần đem các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 
Nâng tầm hàng Việt

Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàn, những năm gần đây, nhờ chuyển đổi ngành hàng kinh doanh, mở rộng lấy sản phẩm từ các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng trên cả nước nên sức mua của những điểm kinh doanh hàng, quà lưu niệm tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, với bảo chứng xuất xứ rõ ràng nên đây là món quà hấp dẫn mà mỗi một du khách khi đến tham quan, mua sắm tại chợ Hàn đều phải ghé vào ngắm nghía. Chợ đông người, hàng quà đắt khách nên thu nhập của các tiểu thương cũng theo đó tăng lên.

Bà Phan Thị Bích Huệ - chủ quầy hàng, quà lưu niệm Quỳnh Nga, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ chợ Hàn chia sẻ chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ hiện nay được nâng cấp rất nhiều so với trước. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh không thua kém gì hàng quà lưu niệm ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Campuchia… Hầu như năm nào cũng có các mẫu sản phẩm mới ra lò.

Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Kiều Tiên (chủ quầy hàng lưu niệm Tiên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khai thác nguồn nguyên liệu thuần Việt, như mây, tre, cói, lá non của cây Bồ Qui Diệp (làm nón Huế), thân gỗ… cũng là điểm cộng hút khách du lịch khi có giá trị gợi nhớ về điểm đến. Không những thế, từ khi chuyển sang chuyên doanh hàng thủ công mỹ nghệ, để công việc mua bán diễn ra thuận lợi hơn, nhiều cô, chị tiểu thương có ý thức tìm hiểu thêm kiến thức về lịch sử Việt Nam và luôn nhiệt tình giới thiệu đến du khách gần, xa.

Nhiều năm qua, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm những mặt hàng xuất chủ lực của nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng và đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, thành công chinh phục được du khách trong và ngoài nước.

Ở khía cạnh xã hội, phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới, tạo liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Sức sống bền bỉ của sản phẩm hàng thủ công truyền thống tại chợ Hàn cũng là minh chứng rõ nét cho nhận định trên, đồng thời, là sự thành công của chủ trương chuyển đổi ngành hàng nhằm phù hợp với mô hình một chợ du lịch, vốn được triển khai từ hơn 5 năm trước.

Dẫu vậy, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này tại chợ Hàn đều có chung trăn trở đó là làm sao để nâng tầm giá trị của sản phầm thủ công truyền thống “made in Việt Nam”. Bỡi lẽ, hiện nay, mức giá bán ra của từng sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng thực tế. Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được chú trọng, trong đó nổi lên vấn đề một số tour, tuyến niêm yết giá bán cụ thể từng mặt hàng quá thấp, gây khó cho việc kinh doanh của tiểu thương tại chợ Hàn.

“Bằng cách nào đó, một số đơn vị lữ hành, công ty du lịch nắm được giá gốc của sản phẩm rồi giới thiệu đến khách tour mức giá chỉ cao hơn giá gốc 1.000 - 2.000 đồng/sản phẩm. Làm như vậy thì chúng tôi kinh doanh sao được. Trong khi một sản phẩm phải chịu nhiều chi phí, ít nhất giá bán ra phải tăng khoảng 10% thì chúng tôi mới có lãi”, bà Trần Thị Kiều Tiên bày tỏ. Cùng chung suy nghĩ này, bà Phan Thị Bích Huệ - chủ quầy hàng, quà lưu niệm Quỳnh Nga, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ chợ Hàn cho rằng, việc “làm giá” của các tour, tuyến cần lưu tâm đến quyền lợi của người kinh doanh tại chợ vì hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta hiện nay xứng đáng có được chỗ đứng và giá trị tương xứng. Cần xem hoạt động kinh doanh tại các chợ du lịch là một kênh quan trọng để quảng bá hàng “made in Việt Nam” đi xa.

Khánh Hòa

Nguồn: Báo Đà Nẵng - baodanang.vn - Ngày đăng 04/09/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT