Non nước Việt Nam

Nghệ nhân giữ nghề rèn ở Đăk Pne

Cập nhật: 10/08/2023 15:15:36
Số lần đọc: 662
Người có công giữ gìn và phát triển nghề rèn của người Ba Na (nhánh Jơ Lơng) ở thôn Kon Túc, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum là nghệ nhân A Gíp. Sản phẩm rèn của nghệ nhân A Gíp làm ra như con dao, cái rựa, cái cuốc, phục vụ đắc lực cho sinh hoạt, sản xuất của bà con.


Đăk Pne là một xã nghèo của huyện Kon Rẫy, có 645 hộ với 2.336 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 93,5%, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, mặc dù được Nhà nước quan tâm mọi mặt, nhưng đến nay, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 34,49%. Nhưng điều đáng lo là trước sự phát triển của xã hội, những công cụ, dụng cụ bằng thép được sản xuất hàng loạt với dây chuyền, công nghệ hiện đại tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, đa dạng mẫu mã và giá thành rẻ, làm cho nghề rèn truyền thống của người Ba Na ở xã Đăk Pne có lúc đứng trước nguy cơ mai một.

Thực tế cho thấy, số cơ sở và những nghệ nhân rèn ở xã cũng dần ít đi. Trăn trở về vấn đề này, được sự quan tâm động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, một số nghệ nhân nặng lòng đã giữ gìn và khôi phục nghề rèn truyền thống, trong đó có nghệ nhân A Gíp.  

Nghệ nhân A Gíp bên lò rèn. Ảnh: N.B

Chúng tôi về xóm Đăk Pủi, thôn Kon Túc trong một ngày mưa rả rích. Con đường từ UBND xã Đăk Pne vào xóm Đăk Pủi trơn trượt, khó đi và phải qua một đập tràn mới đến được nhà nghệ nhân A Gíp. May mắn là trên đường đi, chúng tôi đã gặp được ông ở một con dốc cao khi ông đi bẫy chuột về. Dù đã 105 tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, có thể làm được nhiều việc như rèn, làm rẫy, đi bẫy chuột, làm trống, chơi cồng chiêng và chỉ dẫn cho thế hệ con cháu.

Nghệ nhân A Gíp sinh năm 1918, vợ ông là bà Y Lau sinh năm 1925. Mặc dù cả hai đều ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông bà đều khỏe mạnh, sống trong một ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ và tự chăm sóc cho bản thân chứ không ở chung với con cháu. Ông bà có 7 người con (4 nam, 3 nữ), người con đầu nay đã 78 tuổi, con út cũng 50 tuổi, tổng số con cháu đã gần 100 người. Phần lớn con cháu ông hiện đang sinh sống tại các làng thuộc xã Đăk Pne.

Anh A Tèo - Trưởng thôn Kon Túc cho biết: Ở xóm Đăk Pủi, nơi gia đình nghệ nhân A Gíp sinh sống, có 54 ngôi nhà, trong đó con cháu của cụ đã 30 cái. Hiện nay, toàn xóm có 6 người có lò rèn, gia đình cụ có 4 người (cụ, 2 con trai và 1  con rể). Bản thân tôi cũng là cháu rể, gọi ông A Gíp bằng ông nội, nhưng tôi không làm được nghề này, mặc dù đã thử làm nhiều lần.

Anh A Tèo cho rằng, để làm được nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sự kiên trì, sáng tạo, cần mẫn để cho ra lò những sản phẩm tinh xảo, không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng, mang đậm bản sắc dân tộc của người Ba Na.

Nghệ nhân A Gíp vẫn làm nghề rèn hàng ngày tại nhà. Ảnh: NB

Nghệ nhân A Gíp sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề rèn truyền thống và được chính người cha truyền dạy, hướng dẫn làm nghề từ khi còn nhỏ. Nghề rèn gắn bó với đời ông như một duyên nợ. Chính vì vậy, mặc dù tuổi cao, nhưng ông vẫn thường xuyên rèn các công cụ cho gia đình, con cháu và dân làng. “Không rèn, thấy buồn. Rèn để giữ nghề và truyền lại cho con cháu”- ông A Gíp cho biết.

Và khi tận mắt chứng kiến ông thổi lửa, cho thanh sắt vào lò nung đỏ, rồi đưa lên đe dùng búa đập, sau đó để nguội, lại tiếp tục cho vào nung, cứ như vậy đến khi nào tạo thành sản phẩm cuối cùng là con dao sắc lẹm, tôi thật sự khâm phục và mới tin đó là sự thật, vì ở độ tuổi của ông, ít ai có thể làm được việc này.

Chị Y Gen, một người cháu của cụ kể, ngoài sự am hiểu sâu sắc về nghề rèn, chế tạo những dụng cụ tinh xảo, ông còn biết nhiều về phong tục, văn hóa truyền thống của người Ba Na. Không chỉ giỏi nghề rèn, ông còn biết làm trống, các nhạc cụ truyền thống khác và chơi cồng chiêng. Bây giờ tuy tuổi đã cao, giọng nói không còn rõ ràng như trước đây, nhưng ông vẫn có thể truyền dạy nghề làm trống, đánh cồng chiêng cho thanh niên trong làng.

“Với nghề làm trống truyền thống, ông chỉ cho phép những người đủ tuổi tham gia vào công việc. Ông dạy rằng để làm một chiếc trống chất lượng, cần phải có sự kiên nhẫn, tâm huyết và hiểu về cây gỗ trong rừng, để chọn loại cây phù hợp, vừa nhẹ, vừa bền bỉ với thời gian và khi đánh có tiếng vang uy lực”- chị Y Gen tự hào khi kể về người ông kính yêu của mình.

Trong những lễ hội làng không khi nào vắng bóng ông A Gíp. Ông luôn sống hết mình và mong muốn con cháu phải biết trân quý những ngành nghề, những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy mà trong lòng mỗi người dân thôn Kon Túc, nghệ nhân A Gíp như là biểu tượng để các thế hệ trẻ noi theo bởi lối sống giản dị, bởi tài năng trong làm nghề truyền thống và phẩm hạnh tuyệt vời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết: Nghệ nhân A Gíp không chỉ có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy nghề rèn mà còn ở nghề làm trống và truyền dạy cồng chiêng tại xã Đăk Pne. Hiện, ông là người có uy tín và là người có công của xã. Với những đóng góp của mình, ông đã vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện, tỉnh. Đối với nghề rèn ở Đăk Pne, xã đã xây dựng kế hoạch gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong thời gian tới cùng với nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trình UBND huyện xem xét bố trí ngân sách thực hiện trong thời gian tới.

Hy vọng với việc thông qua các nghệ nhân gìn giữ các ngành nghề truyền thống của chính quyền xã Đăk Pne và huyện Kon Rẫy, nghề rèn truyền thống của người Ba Na, nghề làm trống ở đây sẽ được lưu giữ, để thế hệ con cháu về sau tự hào về nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Nguyễn Ban

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 07/8/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT