Hoạt động của ngành

Sơn La: Háng Đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 12/04/2023 11:32:24
Số lần đọc: 458
Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thu nhập cho nhân dân.


Phụ nữ xã Háng Đồng thêu hoa văn trên trang phục truyền thống.

Háng Đồng là một trong những xã vùng cao của huyện Bắc Yên, 100% đồng bào dân tộc Mông, khí hậu mát mẻ quanh năm, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ông Mùa A Chơ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: Đảng ủy xã đã lựa chọn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch bền vững là khâu đột phá chiến lược trong quá trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã và các bản tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Phối hợp với các nhà trường đưa những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vào trong các hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Duy trì và phát triển nét văn hóa trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được xã tuyên truyền, vận động người dân duy trì nghề dệt, thêu hoa văn, trang trí các họa tiết theo lối truyền thống, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm, quà lưu niệm ấn tượng cho du khách. Chị Sùng Y Xoa, bản Chống Tra, xã Háng Đồng, chia sẻ: Phụ nữ Mông thì ai cũng biết thêu, may, tự làm trang phục truyền thống. Những bộ trang phục truyền thống sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình đều do người phụ nữ tự làm ra. Hiện nay, nhiều du khách khi đến cũng có nhu cầu thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh, nên tôi cùng chị em trong bản mở dịch vụ cho thuê trang phục, vừa duy trì nghề thêu may truyền thống, vừa có thêm nguồn thu nhập.

Mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn và tình yêu dành cho cây khèn Mông, ông Thào Tồng Say, bản Chống Tra, duy trì nghề làm khèn Mông, những cây khèn do ông làm được nhiều người tìm đến đặt mua. Ông Tồng cho biết: Hiện nay, mỗi tháng tôi làm và bán được 5 cây khèn, giúp gia đình có nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng. Tôi còn truyền dạy, hướng dẫn cho con cháu cách thổi khèn, làm khèn, mong con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Bên cạnh đó, từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, xã Háng Đồng quan tâm, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Đến nay, 100% các bản có nhà văn hóa; duy trì các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện; có quy ước, hương ước... Phát huy thế mạnh về du lịch, toàn xã có 10 homestay, nhà nghỉ cộng đồng, đáp ứng 75% nhu cầu du khách đến lưu trú. Riêng năm 2022, xã thu hút hơn 35.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; tổng doanh thu từ du lịch đạt 5 tỷ đồng.

Háng Đồng có điểm tham quan “Sống lưng khủng long” tại bản Chống Tra đang được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Dẫn chúng tôi đi tham quan “Sống lưng khủng long” và giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây, ông Thào A Dê, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chống Tra, chia sẻ: Du khách đến bản ngoài được ngắm cảnh núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ, còn mong được trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong bản giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; thành lập đội văn nghệ; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, vừa giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa tạo điểm nhấn để thu hút du khách.

Cùng gia đình đến tham quan, trải nghiệm tại xã Háng Đồng, chị Nguyễn Hoàng Anh, thành phố Hải Phòng, chia sẻ: Đến đây, ngoài ấn tượng với cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành, tôi còn ấn tượng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Chúng tôi được tìm hiểu về cách làm khèn mông; làm quả pao, tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông, hay trải nghiệm ẩm thực làm bánh dày, thưởng thức món măng ớt... đã để lại cho chúng tôi những trải nghiệm rất đặc biệt.

Việc gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào người Mông gắn với du lịch ở xã Háng Đồng đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở.

Huy Thành

Nguồn: Báo Sơn La - baosonla.org.vn - Đăng ngày 10/04/2023

Cùng chuyên mục