Non nước Việt Nam

Say đắm điệu sạp Thái - Kon Tum

Cập nhật: 15/04/2024 14:58:23
Số lần đọc: 596
Trong không gian sôi động tại Lễ khai mạc Giải Dù lượn tỉnh mở rộng năm 2024 (Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), người dân và du khách được hòa mình vào những điệu múa, nhảy sạp rộn ràng, say đắm lòng người từ những nghệ nhân dân tộc Thái đen ở thôn Thanh Xuân (xã Ya Xiêr).


Trời nắng vàng và lộng gió trên đỉnh đồi Chư Tan Kra. Sau vài tiết mục mở màn tại Lễ khai mạc, 20 nghệ nhân nữ dân tộc Thái đen tại thôn Thanh Xuân ra trình diện sân khấu trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu với váy, khăn choàng đầu thổ cẩm, áo cánh ngắn đặc trưng. Các nghệ nhân nhanh chóng bắt đầu phần trình diễn của mình, chia thành 2 tốp để nhảy và đập sạp với những động tác uyển chuyển, linh hoạt, hấp dẫn, ấn tượng.

Các nghệ nhân linh hoạt, uyển chuyển nhảy sạp trong trang phục rực rỡ sắc màu. Ảnh: H.T

Trong tiếng lách cách của tre nứa đập vào nhau, hòa cùng âm nhạc sôi động, những động tác của các nghệ nhân khi lướt nhẹ nhàng, lúc dồn dập, biến đổi linh hoạt để bay, nhảy trên giàn sạp đã tạo sự hào hứng, chạm đến trái tim của người xem. Nhiều du khách tỏ ra thích thú và tò mò vì khi đến Tây Nguyên lại được chứng kiến những điệu múa sạp truyền thống có xuất xứ từ vùng núi Tây Bắc. Mọi người cùng nhau chụp ảnh, quay video để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Trong tiếng vỗ tay, khích lệ của khán giả sau khi kết thúc, chị Hà Thị Tiến (43 tuổi) - một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất đội phấn khởi chia sẻ: “Từ vùng đất xa xôi Thanh Hóa vào đây lập nghiệp, chúng tôi luôn ý thức việc giữ gìn và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, mỗi lần được mời đi giao lưu, biểu diễn, cả đội rất vui và luôn hăng say tập luyện, cố gắng trình diễn tốt nhất để phục vụ du khách, bà con tại các sự kiện lớn, nhỏ”.

Thôn Thanh Xuân hiện có trên 98% dân số là người dân tộc Thái đen, quê gốc ở xã Xuân Mỹ (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Bà con người Thái tại đây vào lập nghiệp từ những năm 1999, ban đầu tập trung hết tại làng Thanh Hóa (xã Ya Xiêr). Sau này một phần làng Thanh Hóa cũ được chia tách thành thôn Thanh Xuân như hiện nay.

Múa sạp của dân tộc Thái được đưa vào giảng dạy, biểu diễn trong trường học. Ảnh: H.T

Chị Hà Thị Tiến là một trong những người tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống, nét đẹp của dân tộc Thái, nhất là trong các điệu múa, nhảy sạp. Thành thạo múa sạp từ nhỏ, khi vào lập nghiệp trên vùng đất mới, chị cùng  ông bà, cha mẹ và hàng xóm của mình tích cực giữ gìn, tập luyện và trao truyền cho lớp trẻ trong thôn.

Chị Tiến chia sẻ, múa sạp đến với những con người lớn lên trên vùng đất thôn Thanh Xuân này rất tự nhiên. Khi những người con dân tộc Thái vào vùng đất mới lập nghiệp, từ già đến trẻ hầu như ai cũng đều biết nhảy và múa sạp. Các điệu múa, nhảy đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, dùng để giải trí, kết nối mọi người với nhau.

Theo nhiều người già trong thôn kể lại, múa sạp còn được xem là một nghi thức mang ý nghĩa về mặt tâm linh, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống được bình yên. Điệu nhảy sạp linh hoạt, uyển chuyển, gần giống với dáng vẻ của những chú chim đang tung tăng, nhảy nhót, tạo không khí phấn khởi, rộn ràng. Nhảy sạp trông thì có vẻ khó, nhưng nếu đã nắm về tiết tấu, cảm nhận được âm nhạc và “ăn khớp” với bạn nhảy thì rất dễ. Đặc biệt, môn này không kén về số lượng người chơi, đội hình càng đông thì càng phong phú, sinh động.

Xem đội nghệ nhân ở thôn Thanh Xuân trình diễn múa sạp, tôi đặc biệt ấn tượng với nghệ nhân trẻ Võ Thị Nam. Nhìn cách chị biểu diễn với các chị em thấy rõ được niềm say mê trong từng động tác, với ánh mắt sáng, lộ rõ vẻ tự hào về bản sắc truyền thống của dân tộc mình.

Chị Võ Thị Nam chia sẻ, nhảy, múa sạp là điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc Thái trong những dịp vui, đặc biệt, trong các lễ hội đầu xuân, lễ cưới, ăn mừng của bà con. Để múa, đơn giản nhất chỉ cần hai người ngồi đối mặt nhau, hai tay cầm hai sạp bằng tre hay nứa nằm ngang dập xuống đất cho người khác nhảy vào – ra, lên – xuống một cách nhịp nhàng, theo trình tự. Điệu múa sẽ tăng dần tốc độ và độ khó nên đòi hỏi người múa phải nhanh và khéo để khỏi bị dập vào chân. 

Đồng bào Thái đen ở thôn Thanh Xuân luôn đoàn kết, gắn bó, gìn giữ những điệu múa sạp truyền thống. Ảnh: H.T

Các điệu múa sạp mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa thể hiện nhiều điều về tinh thần, tình cảm, cốt cách của bà con dân tộc Thái. Hiện tại, múa sạp đã được cải tiến cho phù hợp và hiện đại hơn khi diễn tấu. Để chuẩn bị cho một bài nhảy sạp hay và đẹp mắt phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó có việc chuẩn bị các dụng cụ, đạo cụ cần thiết.

 Đạo cụ cần thiết cho múa sạp gồm có sạp cái (2 cây to, dài và thẳng) và các sạp con (không giới hạn số lượng) bằng tre, nứa, có chiều dài và đường kính ngắn hơn. Khi biểu diễn, sạp cái nằm dưới, các sạp con được nghệ nhân đặt bên trên, di chuyển và va đập vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu để thực hiện bài nhảy. Sạp con sẽ luân phiên gõ vào sạp cái và tự gõ vào nhau (cứ 3 lần gõ vào sạp cái thì 1 lần gõ vào nhau) để tạo ra âm thanh, tiết tấu và độ khó cho bài nhảy.

Đối với người đập sạp phải rất đều tay, đúng nhịp, ăn khớp với nhau, tăng dần tốc độ đến cuối bài. Với tốp múa, họ sẽ nghe theo tiếng hát và tiếng sạp rồi lần lượt từng cặp nhảy vào dàn sạp. Các nghệ nhân vừa phải có những động tác khéo léo của tay chân, vừa phải cảm âm, nhịp tốt, nếu không sẽ dẫm lên sạp và làm hỏng bài múa. Với những động tác múa, hát nhẹ nhàng, uyển chuyển, các nghệ nhân múa phải vượt qua từng đôi sạp con một cách nhịp nhàng cho đến khi kết thúc.

Trước đây, múa sạp không có nhạc nền, chỉ có tiếng gõ sạp cùng với người nhảy hát những nốt nhạc đặc trưng của bài là “Sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê”, biến tấu và lặp đi lặp lại. Cứ thế, các điệu nhảy sạp luân phiên theo từng lượt người, cuốn hút mọi người một cách hào hứng, say sưa. Ngày nay, để phù hợp với hiện đại, múa sạp được kết hợp thêm nhiều loại nhạc nền phong phú, tạo không khí vui tươi, sôi động và thu hút mọi người tham gia, tạo tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Múa sạp còn là hình thức giải trí của bà con sau khi mùa màng, công việc đồng áng kết thúc, các chàng trai, cô gái tìm hiểu, giao duyên với nhau. Bởi vì hội tụ nhiều yếu tố đặc sắc mang đậm tính nghệ thuật, giải trí cao, múa sạp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã trở thành một trong những di sản đặc sắc về dân nhạc, dân ca, dân vũ của địa phương.

Riêng đối với người Thái đen ở thôn Thanh Xuân, múa sạp mang nhiều nét đặc trưng, trở thành một hình thức giao lưu văn hóa, giúp họ kết nối, gần gũi hơn với những cộng đồng dân tộc khác. Nhiều năm nay, để văn hóa truyền thống không bị mai một, các thế hệ người dân tại thôn Thanh Xuân vẫn ra sức gìn giữ, tuyên truyền, vận động con cháu trong làng tập luyện, góp phần phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Hoàng Thanh

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.vn - Đăng ngày 15/4/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT