Tin tức - Sự kiện

Ra mắt thư viện số Pháp - Việt giới thiệu 2000 di sản tư liệu Đông Dương

Cập nhật: 08/04/2021 08:42:22
Số lần đọc: 707
Thư viện Hoa phượng vỹ giới thiệu đến công chúng hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu ghi lại sự giao thoa văn hóa, lịch sử, thuộc địa và khoa học giữa hai nước Pháp - Việt.


Sự kiện ra mắt Cổng thông tin Pháp - Việt: Thư viện Hoa phượng vĩ đã diễn ra vào sáng 7/4 tại Hà Nội.

Sáng 7/4, Đại sứ quán Pháp phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam giới thiệu cổng thông tin Pháp-Việt: Thư viện số Hoa phượng vỹ. Đây là kết quả hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Pháp và Việt Nam trong suốt 2 năm qua.

Thư viện mang tên gọi “Hoa phượng vỹ” là biểu tượng của sự lạc quan và thân thiện. Thư viện giới thiệu đến công chúng hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu ghi lại sự giao thoa văn hóa, lịch sử, thuộc địa và khoa học giữa hai nước từ thế kỷ XVII-XX. Các tài liệu đa dạng gồm các bản in, bản thảo, bản đồ, bản vẽ và ảnh. Lần đầu tiên, các tài liệu lưu chiểu thời kỳ Đông Dương, từ năm 1922-1954 được số hoá. Đây là bộ sưu tập tài liệu cực kỳ đa dạng: những bản dịch các tác phẩm phương Tây, các tác phẩm kinh điển của Việt Nam, những sáng tạo văn học mới, sách giáo khoa và sách kỹ thuật.

Thư viện được chia thành 8 đầu mục chính gồm Lưu chuyển, Truyền thống, Tư tưởng và tâm linh, Văn học, Chuyển giao văn hoá, Các triều đại và chính quyền, Khoa học và Xã hội, Đời sống kinh tế. Mỗi thư mục lớn lại chia thành các tiểu mục. 

Trong đó, mục “Lưu chuyển” gồm những câu chuyện thám hiểm, hướng dẫn du lịch và bộ sưu tập phong phú các bản đồ và nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam. “Truyền thống” với các tiểu mục phong tục, kỹ nghệ và nghệ thuật truyền thống. “Tư tưởng và tâm linh” giới thiệu những luồng tư tưởng tôn giáo và triết học chính của xã hội Việt Nam thời bấy giờ hay nguồn gốc phương Tây. Mục “Văn học” cho thấy sự hình thành rộng rãi các tác phẩm văn học được xuất bản tại Việt Nam, bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp, kinh điển hoặc sáng tác mới. “Chuyển giao văn hóa” chứng tỏ sức mạnh diễn giải lại, thích ứng và chuyển đổi ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục và thông qua hình thành chữ quốc ngữ...

Ngoài ra thư viện còn có khoảng 20 bài giới thiệu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý thư viện của Pháp cũng như Việt Nam sẽ giúp hiểu rõ hơn về bối cảnh của những tài liệu. Trang có thể truy cập bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho hay Thư viện Quốc gia Pháp đã theo đuổi chính sách số hóa và phát huy giá trị di sản tư liệu, hợp tác với các thư viện nước ngoài từ năm 2009. Bộ sưu tập các thư viện số “Di sản chung” ra đời năm 2017 nhằm khám phá mối quan hệ giữa Pháp và các nước khác qua nhiều thế kỷ. 

“Mỗi tài liệu tạo nên kho tư liệu Pháp-Việt đều có lịch sử riêng, nhưng điều làm nên sự phong phú của các bộ sưu tập di sản là mối liên hệ mà chúng duy trì với hiện tại. Một đối tượng di sản không bao giờ cố định. Cách bạn nhìn nó và giải thích nó thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh”, Đại sứ Nicolas Warnery nói.


Kho tư liệu được chia ra thành 8 mục chính.

Đại sứ khẳng định rằng thư viện số Pháp-Việt Nam, giống như những trang web khác trong bộ sưu tập “Di sản chung” là chứng nhân cho một di sản văn hóa đa dạng và có nhiều đan xen, được cung cấp cho công chúng thông qua những tài liệu đặc biệt vẫn không ngừng được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu để làm mới ý nghĩa của nó.

Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện quốc gia cho biết những tài liệu quý hiếm của Việt Nam và Pháp đã được số hóa và có chỉ báo để công chúng biết chúng đang được lưu giữ ở đâu. “Phía Việt Nam góp các tài liệu thời Đông Dương bằng tiếng Việt và đã hết hạn bản quyền. Phía Pháp cũng mở kho nhiều tài liệu. Cái quý nhất là tài liệu về Đông Dương không phải thư viện nào cũng có”, bà Nga nói.

Ông Michel Espagne, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho rằng lịch sử nước Pháp đan xen với lịch sử Việt Nam, có những điểm khác nhau nhưng cũng có những tương đồng. Chính điều này đã dẫn dắt những người thực hiện bước đi trên con đường tìm kiếm dữ liệu. 

“Sự dồi dào, phong phú của các cứ liệu văn bản gợi mở những khám phá mới bởi nó chính là minh chứng của một không gian chung, trong đó việc sử dụng bảng chữ cái La-tinh để viết tiếng Việt đã làm nổi bật những điểm hội tụ. Trái ngược với tư tưởng khôi phục chỉ xoay quanh các thực thể khép kín, các mối liên kết cố định một lần và mãi mãi, Thư viện Hoa phượng vỹ sẽ là một minh chứng cho tính phì nhiêu của các cuộc gặp gỡ dù chỉ tập trung vào giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX thời điểm khi lịch sử hai nước tiệm cận. Bởi có ký ức về nước Pháp trong Việt Nam, thì đồng thời cũng có ký ức về Việt Nam trong nước Pháp...”, ông Michel Espagne chia sẻ./.

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT