Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch

Cập nhật: 18/06/2021 14:35:13
Số lần đọc: 894
Đại dịch Covid-19 ập đến (đầu năm 2020) đã đẩy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ vào vòng khủng hoảng, bế tắc. Không có khách, kinh doanh tê liệt, đóng băng, doanh nghiệp không có doanh thu, người lao động không có việc làm, thu nhập, phải nghỉ việc luân phiên, thậm chí bị sa thải... Đó là bức tranh ảm đạm của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trong thời gian hơn một năm qua.  


Vịnh Hạ Long (Nguồn: Internet)

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tháo gỡ, hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch vượt qua khó khăn, sóng gió do “cơn bão” Covid-19 gây ra, nhưng cũng không thể vực dậy và duy trì hoạt động như khi chưa có dịch xảy ra. Và mặc dù vậy, các cấp, các ngành vẫn luôn dõi theo, tìm mọi phương cách để tháo gỡ những khó khăn, bế tắc cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ.

Là một trong những địa bàn trọng điểm, trung tâm du lịch lớn của quốc gia, thời gian qua Quảng Ninh cũng đã tập trung, nỗ lực lớn để gỡ khó, có các cơ chế, chính sách để phục hồi, phát triển ngành du lịch, dịch vụ, điển hình là các chính sách về kích cầu du lịch có trị giá hàng trăm tỷ đồng, được ban hành ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên địa bàn.

Và mới đây (ngày 15/6), với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ khó cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Tham dự có hơn 90 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 31/5/2021, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long vay vốn với tổng dư nợ 1.876 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 500 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các tàu du lịch không có khách trong thời gian dài vừa qua, nhiều tàu phải hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều tàu không có doanh thu do buộc phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Do đó, không có nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng, đóng thuế, bảo hiểm, duy tu bảo dưỡng phương tiện và tái khởi động hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trước thực trạng khó khăn đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch đề nghị ngành ngân hàng và các sở, ngành chức năng thực hiện cơ cấu lại khoản vay, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản nợ gốc và lãi đối với các dự án vay vốn đóng tàu du lịch, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động để phục hồi hoạt động khi điều kiện cho phép.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh đã lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cùng đối thoại để tìm ra hướng giải quyết hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn của ngành ngân hàng. Đồng thời, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến kiến nghị không thuộc quyền hạn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách...

Thực tế thời gian qua, do tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh gặp khó khăn, bế tắc, mà các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trong toàn quốc nói chung cũng lâm vào tình cảnh tương tự, chỉ có điều ở các địa bàn, trung tâm du lịch lớn thì mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn. Vì vậy, mới đây, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị các bộ, ngành chức năng sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch nhằm thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại do đại dịch Covid-19. Bởi theo các doanh nghiệp, một số chính sách của ngành ngân hàng tuy đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 4 vừa qua, nhưng thực tế vẫn chưa thể giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động, nhất là các quy định về thanh toán các khoản nợ. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch như: giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu...

Hiện tại đang là mùa du lịch hè và ở nhiều địa phương cũng đã kiểm soát được dịch bệnh, duy trì được địa bàn an toàn, đã khởi động lại du lịch nội tỉnh. Vì vậy rất cần kịp thời có những cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù để phục hồi, khôi phục các hoạt động du lịch, dịch vụ để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm và mục tiêu kép của Chính phủ, của tỉnh...

Thanh Tùng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Cùng chuyên mục