Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Khơi nguồn nước, rộn ràng hội làng Ca Dong

Cập nhật: 29/12/2023 09:28:54
Số lần đọc: 871
Tết máng nước là một trong những lễ hội lớn và quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Ca Dong vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Cộng đồng người Ca Dong rất coi trọng nguồn nước của làng và họ xem đây là mạch nguồn sự sống. Chính vì thế, cứ mỗi dịp cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hằng năm, đồng bào dân tộc Ca Dong khắp các vùng núi Tây Nam của tỉnh Quảng Nam lại âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, tưng bừng vui hội Tết máng nước.

Đồng bào dân tộc Ca Dong, thôn 1, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My tập trung tại điểm văn hóa thôn tham gia lễ hội Tết máng nước.

Lễ hội có ý nghĩa tổng kết quá trình sản xuất nông nghiệp trong năm qua, đồng thời cầu phúc cho năm mới người dân nơi đây sẽ có một mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi, đoàn kết, cho dân làng nguồn nước trong lành quanh năm…

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Cứ đều đặn vào khoảng cuối tháng 11 hằng năm, trên đỉnh Ngọc Linh không khí se lạnh, quyện với sương mờ bao quanh những nóc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong, tạo nên một bức tranh đẹp giữa đại ngàn. Ngay từ sáng sớm, khi những giọt sương đêm còn đọng trên đầu ngọn cỏ, chúng tôi may mắn có mặt tại thôn 1, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, nơi cộng đồng dân cư Măng Gry đang sinh sống, già trẻ, gái trai đều đang xúng xính trong những bộ thổ cẩm nhiều mầu sắc, háo hức chào đón sự kiện lớn nhất trong năm của làng mình: Tết máng nước.

Tùy vào từng địa phương mà Tết máng nước được tổ chức vào trước hoặc sau Tết Dương lịch. Đây cũng là lúc nguồn nước trong rừng trở nên trong lành, mát mẻ và đánh dấu thời điểm kết thúc năm cũ, bước qua năm mới. Dưới tia nắng le lói trong thời tiết se lạnh, cả làng đang bận bịu chuẩn bị sửa soạn mâm lễ để kính dâng lên thần linh. Sau một hồi trống kéo dài, mọi người tập trung tại nhà già làng, với những vật dụng đã chuẩn bị trước như cây nêu, lễ vật, bầu rượu, cồng chiêng, lợn, gà. Họ rót rượu mời nhau, cùng uống cạn trước khi theo già làng Hồ Văn Dề ngược núi về với nguồn nước để cúng thần rừng.

Dù tuổi đã cao, nhưng già làng Hồ Văn Dề chưa bao giờ thiếu vắng trong bất kỳ lễ cúng máng nước của làng. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, già làng Hồ Văn Dề đi trước, những người đàn ông xếp hàng ngay ngắn, mang theo lễ vật và cây nêu nhỏ bước theo già làng về phía nguồn nước, nằm ở cánh rừng phía sau làng.

Theo già làng Hồ Văn Dề, với cộng đồng Ca Dong ở Nam Trà My, lễ hội cúng máng nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng nguồn nước của làng, được xem như mạch nguồn của sự sống. Vì thế, lễ hội có nghi thức cúng đất trời, thần linh tại đầu nguồn nước, chân cây nêu và nhà của già làng. Lễ cúng máng nước thường được tổ chức vào những ngày giao mùa giữa năm cũ và năm mới.

Trước khi đi tìm nguồn nước, thanh niên trong làng được giao nhiệm vụ làm cây nêu, dựng và hoàn tất trang trí cây nêu. Phát dọn lối đi sạch sẽ vào khu vực dòng suối lấy nước. Nguồn nước mà dân làng lấy về sử dụng thường ở trong khu rừng già. Đồng thời chuẩn bị 3 con gà trống, 2 con heo. Sau khi chuẩn bị xong, già làng Hồ Văn Dề dẫn đầu đoàn người tiến về phía nguồn nước để thực hiện lễ cúng. Khi tới nguồn suối trong rừng, trước khi cúng, già làng Hồ Văn Dề thực hiện nghi thức xin ý kiến thần linh, bắt đầu bài văn khấn.

Sau bài khấn, những người tham gia buộc chỉ đỏ vào tay già làng, như gửi gắm niềm tin của cả cộng đồng. Tiếp theo, già làng sẽ thực hiện nghi lễ cắt tiết lợn, phó già làng cắt tiết gà để cho tiết chảy xuống dòng suối, với mong muốn cầu mong thần núi, thần rừng ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận lợi, sinh sống chan hòa, đoàn kết. Khi nước chảy về đến dưới máng đặt bên cây nêu, những người phụ nữ hứng nước đầu tiên đầy trong ống lồ ô và đem về nhà dùng để nấu ăn.

Theo già làng Hồ Văn Dề, lễ cúng máng nước của đồng bào dân tộc Ca Dong với mục đích tôn vinh nghề nông, mừng một năm gieo cấy thắng lợi. Ở đấy còn ý nghĩa sâu xa hơn là tôn vinh người nông dân, thể hiện sự tôn trọng đối với các vị thần linh, thần nước, thần núi và thần lúa cho được mùa, có lúa gạo nuôi sống dân làng và cũng cầu cho một mùa vụ mới thuận lợi.

Vì thế, người Ca Dong luôn giáo dục con cháu phải luôn giữ gìn lễ hội, mỗi năm đều phải được tổ chức để tạ thần linh. Có lúa, có gạo thì dân làng mới sống được. Mà muốn được mùa thì phải có nguồn nước. Trước đây thì phần hội của lễ cúng máng nước thường kéo dài khoảng 15 ngày. Nhưng nay, mình tuyên truyền cho bà con chỉ tổ chức vui chơi vài ngày, vừa tiết kiệm và dành thời gian để lên nương, lên rẫy.

Cầu nối gắn kết cộng đồng

Để buổi lễ diễn ra tươm tất, thần linh thấy được sự thành tâm của dân làng, từng già làng, phó già làng, người có uy tín đều được phân công, đảm trách từng nhiệm vụ cụ thể. Mỗi cá nhân trong làng đều phải tham gia vào công việc chung. Các điệu múa cồng chiêng và lễ vật đều được tập luyện kỹ càng và chuẩn bị trước đó cả tuần. Từng người trong cộng đồng dân cư được già làng phân công công việc cụ thể. Tham dự vào phần nào của lễ cúng là sự tự hào của mỗi cá nhân, mỗi dòng tộc, cho nên ai nấy cũng đều tham gia phần việc của mình bằng tất cả lòng thành.

Người có uy tín làng Măng Gry Trần Quốc Hải chia sẻ: Tết máng nước của đồng bào dân tộc Ca Dong đã có từ lâu đời. Khi cúng xong người dân trong làng phải sống thẳng thắn, trung thực, không được làm chuyện xấu. Nếu vi phạm lệ làng sẽ bị phạt nộp lợn, gà… Nhờ đó mà Tết máng nước là một trong những phong tục giúp cho dân làng chúng tôi sống đoàn kết, hòa thuận, luôn hướng đến những việc tốt đẹp.

Sau khi già làng hành lễ xong, từng phần thịt lợn sẽ được chia đều cho từng gia đình tại sân làng, một phần sẽ để tại máng nước để tất cả bà con cùng tập trung cùng ăn, cùng vui, cùng mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Thường thì phần hội của Tết máng nước diễn ra trong khoảng 15 ngày. Các hộ dân trong làng đều nấu rượu cần, cơm lam để thiết đãi khách. Nhà này đến thăm nhà kia, làng này đến thăm làng khác để cùng uống rượu cần, ăn thịt và chúc phúc cho nhau. Nhiều làng còn tưng bừng tổ chức đánh cồng chiêng, hát dân ca suốt thời gian diễn ra phần hội để tăng thêm không khí rộn ràng của Tết máng nước. Những hộ gia đình khá giả còn dự trữ thịt rừng sấy giàn bếp hoặc mổ gà, thịt lợn để ăn mừng Tết máng nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Vinh, Hồ Văn Thương cho biết, cúng máng nước là nghi lễ hết sức quan trọng đối với đồng bào ở đây. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho bà con cũng như cộng đồng các dân tộc khác để làm sao bà con có thể lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của mình và tiếp tục truyền từ đời này sang đời khác.

Tết máng nước là lễ hội quan trọng bậc nhất của đồng bào dân tộc Ca Dong. Khi nguồn nước đưa về giữa làng, các hộ dân sẽ lấy về để sinh hoạt, ăn uống. Đây là nguồn nước chung của cả làng và sẽ được duy trì dòng chảy quanh năm. Điều này thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên của người vùng núi, giúp cho tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn. Lễ hội năm nay là dịp để cộng đồng dân cư Măng Gry, thôn 1, xã Trà Vinh duy trì và phát huy những nét đẹp của lễ hội.

Đồng thời, giúp các ngành chức năng huyện Nam Trà My quan sát, tiếp thu và đưa ra những giải pháp nhằm phục dựng, bảo tồn và phát triển lễ hội này trong cộng đồng dân tộc Ca Dong. Trong thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh cần tính toán để gắn lễ hội với phát triển du lịch. Đồng bào dân tộc thiểu số có thêm động lực giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông mà còn có thêm thu nhập từ du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Lễ hội Tết máng nước là một trong những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số cần được giữ gìn và phát huy, một giá trị văn hóa cần lan tỏa đến người dân trong nước được biết. Đời sống bà con ở đây trẻ có, già có và nhất là những người già làng - họ sẽ truyền lại để thế hệ sau duy trì và phát huy nét văn hóa của dân tộc mình. Trong một năm, ngoài cúng máng nước còn có cúng lúa mới, heo ba đầu và các lễ cưới hỏi của người đồng bào ở đây… Đây là điều kiện thuận lợi, là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến phát triển du lịch trên địa bàn huyện” - ông Nguyễn Minh Điệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Vinh chia sẻ thêm.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư kinh phí để các huyện vùng cao như Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang… có điều kiện phục dựng lại các lễ hội, nghi thức truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc mình. Để rồi cứ 4 năm một lần, khi Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam diễn ra, đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh lại có cơ hội được biểu diễn các lễ hội, điệu múa giao lưu với các dân tộc, địa phương trong tỉnh, với khách tham quan khi đến với Quảng Nam, cũng như du khách quốc tế khi đặt chân đến mảnh đất này.

Bài, ảnh: Đỗ Vạn và Thu Trang

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 28/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT