Non nước Việt Nam

Độc đáo nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở vùng cao Yên Bái

Cập nhật: 22/12/2023 14:35:43
Số lần đọc: 907
Ngày 23/12 tới, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn Mông; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn. Hoa văn trên váy áo và các mặt hàng thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mông ở đây được tạo ra bằng việc thêu, dệt, ghép vải, nhưng độc đáo nhất là nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một nghề thủ công truyền thống gắn bó bao đời với bà con vùng cao Yên Bái.

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Theo đó, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.

Hoa văn trên vải may trang phục của người Mông được in bằng sáp ong

Người Mông có câu hát: "Lớn lên em theo mẹ tập thêu/Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới/Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư...").

Theo truyền thống văn hóa của người Mông thì hầu hết nữ giới từ khi còn là thiếu niên đều học vẽ hoa văn trên vải, khi đến đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này, trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay, cộng đồng người Mông vẫn duy trì và thực hành thường xuyên di sản này trong đời sống hằng ngày.

Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Đây là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người cũng như các nhóm địa phương tộc người đầu tiên của đồng bào Mông.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông nơi đây mà khó ở đâu có được.

Đầu tiên, lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng bao nhiêu thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp tràm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó là cho mặt vải bóng mịn.

Tiếp đó là công đoạn chế sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng là sáp non, màu đen là lớp sáp già, lấy hết mật rồi nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Khi bắt đầu vẽ sáp lên váy thì nấu hai loại sáp này trộn với nhau để chảy ra. Khi đun sáp, luôn phải giữ lửa đều ở nhiệt độ 70 - 80 độ, sáp mới không bị khô. Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng bút vẽ. Gọi là bút, nhưng kỳ thực đó là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp và dễ. Là người đã từng có hơn 20 năm chế tác ra các sản phẩm bút vẽ, ông Lý Pàng Chua ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn cho biết: "Cây bút vẽ sáp ong được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong. Người phụ nữ khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải".

Cùng với bút vẽ sáp ong, ông Chua còn chế tác các khuôn đã chạm khắc các họa tiết trang trí để phụ nữ Mông in sáp ong lên vải, giúp chị em giảm thời gian vẽ sáp ong.

Phụ nữ Mông ai cũng biết in hoa văn trên vải, tự làm trang phục

Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng.

Quy trình vẽ hoa văn sáp ong trên vải mới nghe tưởng như đơn giản nhưng để làm được một chiếc váy hoàn chỉnh, phụ nữ Mông phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong được tiếp nối từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác theo đường mẹ truyền con nối. Các cháu ở đây từ 7, 8 tuổi đã được các bà, các mẹ cầm tay chỉ bảo từng đường kim mũi chỉ. Đến khi trưởng thành, các em đã có đôi bàn tay khéo léo và thuần thục cách tạo hình, trang trí hoa văn, điêu luyện trong kỹ thuật chiết nếp, khâu đột, khâu luồn sợi, khâu vắt.

Đặc biệt, người Mông có những bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Họ thêu không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các mô típ hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị nhân sinh quan của cộng đồng tộc người. Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải cho thấy người Mông phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.

Chị Lý Thị Nhung ở xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) cho hay: "Người Mông dùng sáp ong để vẽ là bởi sau khi hoàn thành, cả tấm vải sẽ đem đi nhuộm chàm. Chỗ vải trắng không có sáp ong sẽ nhuộm thành màu chàm. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được sẽ trở thành màu trắng xanh. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ".

Có thể thấy, sự tỉ mỉ, khéo léo tạo nên những đường nét hoa văn tinh tế với độ tinh xảo, hoa văn cân đối, hài hòa trên các sản phẩm do chính tay người phụ nữ Mông tạo nên khiến du khách vô cùng thích thú. Nắm bắt nhu cầu, sở thích, thị hiếu của khách du lịch, những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải thường xuyên tổ chức các cuộc thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải trong các dịp lễ hội.

Qua đó, không chỉ giúp chị em phụ nữ Mông nâng cao tay nghề vẽ hoa văn, làm phong phú thêm các mặt hàng thổ cẩm của địa phương để giới thiệu với du khách mà còn tạo nét du lịch khác biệt, độc đáo, hấp dẫn du khách đến với vùng cao Yên Bái./.

An An

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 21/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT