Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Hội An sẵn sàng cho lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022

Cập nhật: 03/03/2022 10:20:31
Số lần đọc: 783
Được lựa chọn là nơi tổ chức lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang gấp rút chuẩn bị kỹ về mọi mặt cho chương trình diễn ra vào ngày 25/3.


Hội An tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2022. Ảnh: VGP/Lưu Hương

UBND TP. Hội An thông tin, với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", các hoạt động diễn ra trong chuỗi sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2022 sẽ hướng đến mục tiêu du lịch an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chí của du lịch xanh.

Từ khi được lựa chọn để tổ chức lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, Hội An đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho chương trình diễn ra vào ngày 25/3 tại đảo Ký ức Hội An. Các tiết mục được dàn dựng đặc sắc, công phu, sân khấu hoành tráng... hứa hẹn mang đến một chương trình mở đầu đầy ấn tượng cho Năm Du lịch quốc gia, cũng là khởi đầu cho sự trở lại của ngành du lịch Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung sau thời gian dài đóng băng vì dịch COVID-19.

Bên cạnh lễ khai mạc, Hội An còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm chào mừng sự kiện đầy ý nghĩa này. Nổi bật trong đó là chương trình "Nét xưa phố Hội" tại khu phố cổ. Triển lãm ảnh nghệ thuật về vùng đất Hội An "Cuộc hội ngộ tháng 3" diễn ra từ ngày 11 đến 31/3 và trưng bày "Du lịch Hội An qua những trang sách" từ ngày 24 đến 27/3 tại nhà số 62 đường Bạch Đằng. Đây là hoạt động trưng bày các ấn phẩm sách Hán Nôm, sách văn hóa, tranh ảnh Hội An xưa và nay, giúp du khách có thể hiểu hơn về sự phát triển của Hội An qua từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật trên sông "Đêm Hoài Giang" diễn ra lúc 19h ngày 26/3 và hoạt cảnh "Trang phục Hội An - Ký ức thời gian" lúc 19h và 20h ngày 27/3 tại vòng cung Chùa Cầu sẽ tái hiện một cách sống động cảnh sinh hoạt thường nhật, biểu diễn hò khoan đối đáp và giới thiệu đến khán giả các loại trang phục của người Hội An xưa.

Địa phương cũng tổ chức không gian ẩm thực "Món xưa" sẽ phục vụ từ 16h đến 21h ngày 24 đến 27/3 tại vườn tượng An Hội với các món ăn đặc sản như mỳ quảng, cao lầu, hoành thánh, bánh bao bánh vạc... Cũng tại khu vực này, du khách có thể tham quan không gian tổ chức "Chợ phiên Hội An" với đủ các mặt hàng trưng bày từ các làng nghề nổi tiếng trên khắp cả nước và các sản phẩm nông sản, đồ handmade, sản phẩm OCOP; tìm hiểu thêm về nghệ thuật viết thư pháp, trưng bày các loại bảng hiệu xưa, bày bán sản phẩm lưu niệm truyền thống của Hội An. ...

Năm Du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng quảng bá hình ảnh. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, Hội An còn là nơi tổ chức các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường như: Tour trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh tỉnh Quảng Nam; lễ công bố "Tuần du lịch xanh" và công bố bộ tiêu chí, cấp chứng nhận tiêu biểu cho một số doanh nghiệp tiên phong; hội thảo phát triển du lịch xanh Quảng Nam; lễ phát động thực hiện thí điểm mô hình "Du lịch xanh".

Trong dịp này, Hội An cũng sẽ tham gia hưởng ứng hoạt động "Giờ Trái đất" vào ngày 26/3 với việc thực hiện 60+ phút tắt các thiết bị điện không cần thiết. Đây là hoạt động nâng cao nhận thức xã hội về tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu; thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên và thế hệ tương lai. Ngoài ra, các hoạt động phụ trợ như trò chơi bài chòi, trình diễn thư pháp, điêu khắc gốc tre, hát tuồng, các trò chơi dân gian... cũng được tổ chức thường xuyên để phục vụ du khách khi đến tham quan phố cổ.

Đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng quảng bá, giới thiệu hình ảnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" thể hiện rõ định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian sắp tới, đó là phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, các sản phẩm du lịch được xây dựng vừa dựa trên tài nguyên văn hóa, lịch sử, con người bản địa, vừa phải đáp ứng nhu cầu thân thiện với thiên nhiên mới là sự phát triển lâu dài, bền vững.

Lưu Hương

 

Nguồn: Báo Chính phủ

Cùng chuyên mục