Tin tức - Sự kiện

Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung dự Tọa đàm giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Đà Nẵng 2021

Cập nhật: 01/04/2021 16:46:44
Số lần đọc: 696
(TITC) - Sáng ngày 01/4, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch (XTPTDL) TP. Đà Nẵng cùng Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung dự và phát biểu tại tọa đàm.

 

Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại Tọa đàm

Sự kiện có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng và các Sở, ngành liên quan, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Đà Nẵng và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2020 cũng như mức độ hiệu quả của các giải pháp ứng phó từ chính quyền thành phố và doanh nghiệp trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước đối thoại với các doanh nghiệp du lịch, đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch Đà Nẵng khôi phục và phát triển trong năm 2021.

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cho biết: Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đẩy ngành du lịch rơi vào khủng hoảng trầm trọng với mức thiệt hại rất lớn, khiến nhiều công ty du lịch, hàng không, khách sạn rơi vào tình trạng lao đao, phá sản, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, nhìn lại năm 2020, đó là một năm khó khăn với nhiều ngành nghề, nhưng có thể nói, ngành Du lịch là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Mặc dù ngành du lịch đã nỗ lực kích cầu du lịch nội địa qua hai giai đoạn nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng: Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, tổng thu từ khách du lịch đạt 320.200 tỷ đồng, giảm 58,7%.

Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cho biết, trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục bị gián đoạn, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu du lịch bị thu hẹp do thu nhập sụt giảm, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, tỷ lệ cắt giảm nhân sự toàn ngành tăng cao dẫn tới sụt giảm trong nguồn cung lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao; vấn đề cạnh tranh điểm đến, cạnh tranh nguồn khách sau khi nhu cầu du lịch toàn cầu phục hồi.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quý Phương phát biểu tại buổi tọa đàm

Trong bối cảnh trên, ngay từ đầu năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, kết nối doanh nghiệp và địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá thúc đẩy thị trường du lịch nội địa.

Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Đây là nhiệm vụ phù hợp với xu hướng trên thế giới, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh vừa phát triển du lịch trong điều kiện chống dịch.

Tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu, tích cực chuẩn bị để mở lại thị trường khách quốc tế khi đủ điều kiện.

Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ khách khi du lịch trở lại hoạt động bình thường.

“Tổng cục Du lịch luôn sẵn sàng đồng hành với các địa phương trong phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Chúng ta tích cực cùng chuẩn bị để chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất”, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

Cũng tại Tọa đàm, ông Cao Trí Dũng - đại diện Quỹ XTPTDL TP. Đà Nẵng công bố kết quả khảo sát đợt 2 tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng. Được biết trước đó, từ ngày 23/2-10/3/2021, Quỹ XTPTDL đã chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng tiến hành điều tra trực tuyến tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh du lịch Đà Nẵng lần 2. Qua đó, Quỹ để xuất 4 giải pháp về: Tài chính; Lao động và môi trường du lịch an toàn; Khôi phục thị trường; Cơ chế chính sách.

Về phía Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc cũng đưa ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm khôi phục hoạt động du lịch: Đảm bảo công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh; Đẩy mạnh công tác xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch; Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; Đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới; Tổ chức các sự kiện hấp dẫn, quy mô lớn để thu hút khách du lịch; Xây dựng và triển khai phương án chuẩn bị điều kiện để đón và phục vụ khách sau khi Chính phủ cho phép hoạt động lại du lịch quốc tế; Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch.

Tại phiên thảo luận, đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa ra rất nhiều đóng góp, kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến tài chính, lao động du lịch, môi trường du lịch, thị trường khách, cơ chế chính sách…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch và đánh giá cao sự nỗ lực, sự quyết tâm của Hiệp hội Du lịch, Quỹ XTPTDL thành phố trong việc tháo gỡ những khó khăn của ngành du lịch thành phố. Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, lãnh đạo thành phố có chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín, chỉnh trang lại sông Hàn, coi sông Hàn là một sản phẩm trọng tâm, xây dựng đề án sông Hàn về đêm, bao gồm tổ hợp hệ thống ánh sáng của 6 cây cầu, 2 bên bờ sông, tích hợp để vận hành chung tạo ra các hoạt động ánh sáng nghệ thuật về đêm. Quy hoạch lại hệ thống ánh sáng của toàn thành phố trong đó có hệ thống ánh sáng của các nhà cao tầng xung quanh sông Hàn. Tập trung cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi làm nơi check-in cho du khách, ưu tiên phát triển một số hạ tầng liên quan như phố đi bộ Bạch Đằng, khu phố An Thượng kết hợp dịch vụ về đêm…

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng mong muốn  các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, duy trì đào tạo gắn trách nhiệm của nhân lực với doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch cần làm tốt công tác gắn kết, hỗ trợ nhau, hình thành liên kết mạnh mẽ để phục hồi du lịch. Các doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố trong việc phòng, chống Covid-19 vì đây là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng trong việc giữ gìn điểm đến khi du khách quay trở lại.

Nhân dịp này, Quỹ XTPTDL TP. Đà Nẵng cũng đã trao giải tác phẩm biểu trưng của tác giả Phạm Tam (giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM) được chọn là logo chính thức của Quỹ sau khi đạt giải Nhất trong cuộc thi có tính cạnh tranh cao với 97 tác phẩm đến từ 37 tác giả, hầu hết là các nhà thiết kế logo chuyên nghiệp./.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT