Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Cập nhật: 08/09/2021 14:56:45
Số lần đọc: 925
Nằm ở phía Tây thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng đa dạng các làng nghề, công trình kiến trúc cổ với nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc người Cơ Tu.


Đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện Hòa Vang sinh sống ở ba thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc thuộc xã Hòa Bắc. Đây là cộng đồng người dân tộc thiểu số với truyền thống phong tục sống du canh du cư. Với những lợi thế của địa phương, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo các nhà Gươl truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa của người đồng bào Cơ Tu tại địa phương.

Nhờ làm du lịch cộng đồng, văn hóa người Cơ Tu - Đà Nẵng nói riêng và người Cơ Tu - Quảng Nam nói chung được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Qua đó, người Cơ Tu càng có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, từng bước thúc đẩy, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Đến đây, du khách không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn, mà còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán trong văn hóa của người Cơ Tu với các điệu múa “Vũ điệu dâng trời”, múa cồng chiêng, hát lý, lội suối bắt cá, lên nương rẫy, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, đan lát…

Thừa hưởng những giá trị văn hóa của địa phương, Khu du lịch Suối Hoa ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang) đã thành lập một Làng du lịch cộng đồng văn hóa “Toom Sara Fest” để hỗ trợ, giúp người Cơ Tu làm du lịch sinh thái cộng đồng.

Dự án ra đời từ đầu năm 2020 để mời những người Cơ Tu của huyện Hòa Vang và huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) về sinh sống, cùng làm du lịch cộng đồng. Tại đây, người Cơ Tu tự đứng ra làm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển theo hướng tự nhiên cùng môi trường sinh thái.

Những nghệ nhân Cơ Tu biết nghề trong làng đã tổ chức các lớp truyền, dạy nghề điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm cho các thành viên trong làng để giúp những người khác tự làm ra các sản phẩm tượng gỗ, váy áo, khăn, ví, túi xách dệt thổ cẩm để bán cho du khách. Làng đã tái hiện lại được các phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu như: Tục “Đi Sim”, các nghi lễ cưới, hát lý, thành lập các đội biểu diễn múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng… để phục vụ du khách khi đến làng tham quan du lịch.

Với sức hút của các mô hình, ngành Du lịch Đà Nẵng đã chủ động đồng hành, hỗ trợ cùng địa phương trong việc xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng đến với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch cộng đồng giúp đồng bào Cơ Tu vừa bảo vệ, giữ gìn và phát huy được các bản sắc văn hóa truyền thống đồng thời giúp người Cơ Tu ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo và phát triển bền vững hơn dựa vào làm du lịch.

Minh Thảo

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục