Non nước Việt Nam

Phải xem di sản là tài sản của nhân dân

Cập nhật: 09/05/2023 14:17:24
Số lần đọc: 416
Lần đầu tiên chính quyền TP. HCM cho phép người dân và khách du lịch được tham quan miễn phí trong 2 ngày 29-30/04/2023 Trụ sở HĐND và UBND TPHCM, vào dịp 48 năm thống nhất đất nước.


Đây là một trong số 20 công trình kiến trúc thuộc địa đặc sắc nhất được xây dựng vào nửa sau thế kỷ 19.

Việc cho người dân vào thăm tự do các công trình kiến trúc nổi tiếng là truyền thống văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Các nước như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha đều có ngày di sản châu Âu, ngày di sản quốc gia, ngày di sản địa phương. Trong những ngày này, người dân được quyền vào xem miễn phí các công trình kiến trúc nổi tiếng, cho dù đấy hiện là cơ quan công quyền như dinh tổng thống, tòa nhà quốc hội, tòa án tối cao…

Hay trước kia, các dinh thự, pháo đài của các nhà quý tộc được coi là nơi thâm cung riêng của mỗi dòng họ, người lạ không được vào, nhưng theo xu thế chung, hậu thế của các nhà quý tộc danh tiếng này cũng dành một số ngày cho dân và khách thập phương đến thăm miễn phí. Thậm chí, nhiều gia tộc kết hợp với địa phương tổ chức ngày đó thành các festival thường niên thu hút khách du lịch.

Châu Âu quan niệm di sản (heritage) là tài sản quý của thế hệ trước để lại nên phải để cho mọi người cùng hưởng. Ở châu Á cũng có những hoạt động như vậy. Chẳng hạn, Campuchia miễn phí cho người dân thăm viếng các đền khu Angkor. Hoặc người dân Thái Lan miễn phí đến thăm viếng các đền đài, lăng tẩm chùa chiền. Ngay các khách sạn lớn 4-5 sao ở thủ đô Bangkok cũng dành 1 ngày cho trẻ con nghèo đến thăm và được sử dụng một số dịch vụ và bữa ăn miễn phí.

Ở Việt Nam cho đến nay, hầu hết di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, di sản kiến trúc và các địa điểm văn hóa tâm linh đều có thu phí, ít thì vài chục ngàn, nhiều thì hàng trăm ngàn đồng, chỉ một số nơi không thu phí như Khu di tích Lăng Bác, khu nhà sàn Bác Hồ, nhà Bác ở Nam Đàn, đền Hùng Phú Thọ… Trong bối cảnh như thế, việc TP. HCM mở cửa cho khách tham quan tòa nhà UBND hơn 110 tuổi là sáng kiến đáng ghi nhận. Nhưng cũng cần phải nói sáng kiến này hơi muộn.

Còn nhớ trước năm 2005, trước cửa tòa nhà UBND TP có làm hàng rào bảo vệ bằng sắt, có bốt gác và công an, cảnh vệ đứng gác, người dân không được dừng lại ngắm nghía, chụp ảnh. Sau 2005, trước nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân, hàng rào được phá bỏ, người dân có quyền dạo chơi và chụp ảnh trước tòa nhà, nhất là sau khi có tượng Bác và phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà UBND trở thành một phần hữu cơ trong bức tranh tổng thể khu vực trung tâm.

Trong xu hướng đô thị mở và hội nhập nên có nhiều công trình kiến trúc mỹ thuật mở ra cho nhân dân được tham quan, chiêm ngưỡng miễn phí không chỉ bên mặt ngoài, còn cả bên trong nội thất. Trong số đó phải kể đến như Phủ Chủ tịch, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa nhà Đại học Đông Dương, Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát lớn TP. HCM... Phong cách kiến trúc, tổ chức không gian nội ngoại thất, các hiện vật, khung cảnh vườn… sẽ mang đến cảm hứng sống cho người xem, nhất là các học sinh, sinh viên, các kiến trúc sư, nhà thiết kế trẻ tận mắt được trải nghiệm những gì họ chỉ được nghe qua sách vở.

Lần đầu tiên TP. HCM cho phép được tham quan công trình kiến trúc nổi tiếng như một sự thử nghiệm. Chương trình tiếp đón 48 đoàn tham quan, mỗi đoàn 30 khách (tương đương 1.500 khách) trong 2 ngày 29-30/4, thời lượng mỗi đợt tham quan 60 phút. Nhưng 2 ngày qua không đủ cho số người muốn tham quan, vì có đến 900 đoàn đăng ký qua trang thông tin điện tử. Như vậy, về lâu dài TP. HCM cần tính đến phương án cho tham quan vào ngày chủ nhật mỗi tuần hay các ngày lễ lớn trong năm.

TS. Nguyễn Minh Hòa
Nguồn: Báo SGGP Đầu tư tài chính - dttc.sggp.org.vn - Đăng ngày 09/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT