Non nước Việt Nam

Núi Xuân Đài và mối liên hệ đặc biệt với Di sản Thành Nhà Hồ

Cập nhật: 31/03/2020 08:11:32
Số lần đọc: 679
Là kết quả từ quá trình kiến tạo tự nhiên lâu dài, có thể nói, sự tồn tại của các dãy núi như một nét phác họa đầy kỳ công và độc đáo của tạo hóa. Cũng nhờ đó mà thiên nhiên mới có được sự hùng vĩ, tươi đẹp, kỳ bí và có sức cuốn hút đặc biệt. Có vô số danh thắng nhờ núi non mà thành và cũng có những ngọn núi mà sự tồn tại của nó đã gắn liền với một “miền tâm linh”, hay là nơi mà trí tưởng tượng của con người mặc sức bay bổng. Dãy núi Xuân Đài (xưa kia thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh, nay là xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc), là một địa danh như thế.

Lối lên động Hồ Công trên đỉnh núi Xuân Đài.

Nói về ngọn núi này, sách “Vĩnh Lộc huyện chí” có đoạn miêu tả: “Núi ấy có nham thạch chồng chất, tầng lớp cao vọt như một ngọn lâu đài ôm lấy nhau tựa như chiếc thuyền, cho nên gọi là Xuân Đài”. Núi Xuân Đài trông xa không khác nhiều so với hình dáng các ngọn núi thường thấy. Nhưng khi quan sát ở cự ly gần mới thấy được nét riêng có và độc đáo của nó. Núi Xuân Đài có kết cấu địa chất khá lạ, có màu xám đen đặc trưng của đá. Đặc biệt, các phiến đá có độ dày mỏng khác nhau, tưởng như được bàn tay người thợ tài hoa đục đẽo, cắt gọt cho vuông vắn, rồi được xếp chồng lên nhau, hết tầng này đến lớp khác mà thành dáng núi “Trập trùng nẻo đá lượn quanh co”. Bao quanh ngọn núi là một vùng cảnh quan thiên nhiên và làng mạc bình yên, tươi đẹp. Đặc biệt, núi Xuân Đài còn gắn liền với Quần thể Di tích danh thắng cấp Quốc gia động Hồ Công - chùa Du Anh.

Chùa Du Anh nằm dưới chân núi, được dân gian quen gọi là chùa Thông. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thời nhà Lý, trải qua thời gian và không ít biến cố lịch sử, đến thời Lê Trung hưng (khoảng năm 1601-1619), chùa mới được tôn tạo lại. Chùa được dựng trên một khu đất bằng phẳng, lấy núi Xuân Đài làm hậu chẩm và núi Trác Phong làm tiền án. Xưa kia, bên tả chùa có gác Ngọc Hoàng, bên hữu chùa có am Công chúa. Hai bên nách chùa lại có hai hồ nước Nhật - Nguyệt do thiên nhiên tạo thành, cảnh trí vô cùng tĩnh tại và đậm màu thiện tịnh. Từ chùa Du Anh, có một lối mòn khá dốc, nơi các bậc đá tự nhiên bám vào thân núi và dẫn thẳng lên động Hồ Công. Người xưa hình như đã dựa vào thế núi và những câu chuyện huyền bí về động Hồ Công, mà tạc vào vách đá trên cửa động 4 chữ Hán lớn “Sơn Bất Tại Cao” (tương truyền do Hồng Anh cư sĩ Nguyễn Nghiễm đề bút). Nghĩa đầy đủ của 4 chữ Hán này là dựa vào câu “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh/ Giang bất tại thâm, hữu long tất ứng” (núi không cao mà có tiên tất linh thiêng/ sông không sâu mà có rồng tất ứng nghiệm). Núi Xuân Đài - dưới có chùa Du Anh, trên đỉnh có động Hồ Công - vừa là cõi phật ngự vừa là chốn tiên về, thật chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian?!

Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ khi nói về giá trị tồn tại của núi Xuân Đài. Bởi lẽ, ngọn núi này còn có mối liên hệ vô cùng đặc biệt với Thành Nhà Hồ. Khi di sản này vừa được UNESCO vinh danh, thì xung quanh nó vẫn còn không ít bí ẩn và nhiều vấn đề chưa thể lý giải. Một trong số đó là câu hỏi đá xây dựng thành được khai thác ở đâu và khai thác, vận chuyển như thế nào? Một thời gian ngắn sau, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát vị trí các mỏ đá. Với những đặc điểm nhận dạng và so sánh bước đầu, căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công còn rất rõ trên các mặt của phiến đá; đồng thời, qua việc phân tích, đối sánh với các phiến đá tại tường Thành Nhà Hồ, các nhà nghiên cứu đã thống nhất xác định, núi An Tôn và núi Xuân Đài, nằm cách Thành Nhà Hồ chừng 3 - 4 km, chính là các công trường khai thác đá cổ, từng được vương triều Hồ sử dụng để khai thác đá xây thành kinh thành Tây Đô.

Cùng với việc xác định vị trí các mỏ đá, việc gia công, vận chuyển cũng được lý giải. Theo đó, việc gia công đá được người xưa tính toán sao cho vừa tiết kiệm, vừa hợp lý, lại đạt hiệu quả kỹ thuật cao. Các loại đá xây vòm cuốn được làm nhẵn nhiều mặt, còn những loại xây tường thì được gia công nhẵn ở phần bề mặt đá được ráp với nhau. Việc vận chuyển và nhất là kỹ thuật xây, xếp các khối đá khổng lồ càng cần sự kỳ công gấp bội. Các nguồn tư liệu dân gian và kết quả điều tra thực địa của các nhà khoa học, đã đưa đến một giả thiết về quy trình vận chuyển các khối đá khổng lồ, từ công trường khai thác về nơi xây dựng. Đó là một quy trình được tổ chức hết sức hợp lý và đầy sáng tạo. Trước hết, người ta xây dựng một con đường lát đá tương đối phẳng và nhẵn trên nền đất được đầm kỹ. Dấu vết con đường này hiện được phát lộ một phần ở thôn Tây Giai (cửa Tây của Thành Nhà Hồ); còn phần nằm ở phía công trường khai thác đá (núi Xuân Đài), thì chưa có điều kiện để khai quật, nghiên cứu và phát lộ. Trên con đường này, người thợ dựng một băng chuyền thủ công bằng các trục lăn (con lăn) và bi đá. Khi các khối đá nặng từ 10 tấn trở lên, được đưa từ mỏ đá lên băng chuyền, các bi đá và con lăn sẽ xoay tròn tại chỗ. Đồng thời, dựa trên sức kéo của người và vật nuôi (trâu, voi) ở hai bên băng chuyền, các khối đá sẽ được vận chuyển đến nơi xây dựng thành.

Có thể nói, vùng đất động An Tôn xưa, nơi được nhà Hồ lựa chọn là đất dựng kinh đô mới, so với kinh thành Thăng Long thời Trần, không được thuận lợi về mặt bằng và giao thông. Song, ưu điểm lớn hơn cả của vùng đất này chính là thuận cho việc khai thác và sử dụng vật liệu đá. Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí đặt kinh đô cũng chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc của người xưa về vùng đất được chọn; cũng như việc vận dụng khéo léo các yếu tố cảnh quan thiên nhiên theo quan niệm dịch lý và phong thủy Phương Đông. Đặc biệt, việc sử dụng các khối đá lớn tại Thành Nhà Hồ là một minh chứng sống động, chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho Giáo. Đồng thời, cho thấy sự giao lưu kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam á thời bấy giờ. Bằng sức lực và trí tuệ, người dân Đại Việt đã khai thác, vận chuyển và xây dựng nên tòa thành, từng khiến các chuyên gia Nhật Bản phải thốt lên, đây là di tích kinh thành được kiến tạo bằng đá hùng vĩ nhất.

Chừng ấy nguyên do mới thấy, để có thể làm nên một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử kiến trúc Việt Nam mang tên Thành Nhà Hồ; thì vai trò, ý nghĩa hay giá trị của các công trình khai thác đá cổ, mà trực tiếp là núi Xuân Đài, là vô cùng đặc biệt.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn: baothanhhoa.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT