Non nước Việt Nam

Cần có giải pháp phát huy giá trị di tích Him Lam (Ðiện Biên Phủ)

Cập nhật: 13/03/2020 09:15:29
Số lần đọc: 791
Một chiều tháng 3, chúng tôi có mặt tại di tích Him Lam, nơi mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (13/3/1954). Ðây là một trong các di tích thành phần quan trọng của di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Bên trong di tích, nhiều hạng mục công trình đã được xây dựng từ lâu. Trên những quả đồi lịch sử, bên cạnh các bia tưởng niệm là hệ thống công sự và công trình chiến đấu đã được phục dựng khá nguyên vẹn...


Một góc cứ điểm 2 tại di tích Him Lam.

Phải thú thật rằng, hơn 20 năm sinh sống trên mảnh đất này nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Di tích Him Lam mặc dù nó chỉ nằm cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ 2,5km. Ðây là nơi ghi dấu chiến công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ 1954.

Him Lam là một trong những trung tâm đề kháng kiên cố nhất của quân đội Pháp, là lá chắn bảo vệ vòng ngoài phân khu trung tâm, án ngữ con đường 41 từ Tuần Giáo vào Ðiện Biên Phủ (nay là quốc lộ 279). Trung tâm đề kháng Him Lam cùng với 2 trung tâm đề kháng thuộc phân khu Bắc là Ðộc Lập và Bản Kéo tạo thành tuyến bảo vệ vòng ngoài của quân đội Pháp nhằm bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Vì có vị trí quan trọng, lại có địa hình thuận lợi nên Pháp đã bố trí xây dựng thành 3 cứ điểm nằm trên 3 mỏm đồi, hình thành thế chân kiềng vững chắc, tạo thành điểm tựa vòng tròn, có khả năng chống đỡ cả 4 hướng khi bị quân ta tiến công vào. Ngoài hệ thống công sự kiên cố với những tuyến giao thông hào ngang dọc nối liền các cơ quan chỉ huy, các hầm, ụ súng, hỏa điểm bí mật... quân Pháp còn bố trí hàng loạt hệ thống vật cản, công sự dày đặc từ chân đồi lên đến đỉnh đồi.

Sau nhiều ngày chuẩn bị cho trận đánh mở màn, đúng 17 giờ ngày 13/3/1954 trận pháo kích của ta bất thần tấn công dữ dội vào cứ điểm Him Lam mở màn cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trung tâm Ðề kháng Him Lam chìm trong khói lửa. Do bị tấn công bất ngờ nên quân Pháp vô cùng hoảng sợ. Sau 40 phút các chiến sĩ đã mở được một đường tấn công xuyên qua lớp hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Tiểu đội xung kích do Trần Can dẫn đầu, giương cao lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” xông lên tiến thẳng về phía Sở chỉ huy của địch trên đỉnh đồi. Ðến đây Tiểu đội của anh vấp phải sự chống trả quyết liệt từ lô cốt của địch. Bằng sự mưu trí, dũng cảm của người chỉ huy, sau một thời gian ngắn đã vô hiệu hóa được ổ súng máy của địch trong lô cốt. Trần Can nhanh chóng cắm lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” lên nóc hầm chỉ huy của địch. Ðây là lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” đầu tiên của quân đội ta cắm trên cứ điểm phòng ngự của địch. Ðến 20 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 130 đã tiêu diệt gọn Ðại đội Lê dương số 11 của địch, làm chủ hoàn toàn cứ điểm số 3 trong Trung tâm đề kháng Him Lam.

Trên cứ điểm số 2, cũng là nơi mà Anh hùng liệt sĩ Phan Ðình Giót đã “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” và anh dũng hi sinh để đồng đội xông lên tiêu diệt các vị trí phòng ngự của địch... Theo quan sát của chúng tôi, các lô cốt, ụ súng và hệ thống giao thông hào đã được phục dựng khá nguyên vẹn. Quan sát trận địa có thể hình dung được sự cam go, khốc liệt trong trận chiến mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ diễn ra 66 năm trước. Tại phần bia tưởng niệm, nơi Anh hùng liệt sĩ Phan Ðình Giót hi sinh, chúng tôi bắt gặp mấy người phụ nữ đến dâng hương, phát dọn, vệ sinh khu vực xung quanh. Ðó là những người sinh sống ở gần khu vực này. Vào mỗi dịp kỷ niệm mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ hay các ngày lễ, tết của dân tộc, họ thường đến đây để thắp hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Khi mặt trời còn cách đỉnh núi hơn một con sào, chúng tôi rời di tích lịch sử Him Lam nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang những tiếc nuối. Tiếc là vì một di tích lịch sử quan trọng và có giá trị như vậy mà đến nay vẫn chưa được đưa vào giới thiệu với du khách? Nhiều hạng mục đã được phục dựng, xây dựng mới từ lâu mà đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng...

Ðem những băn khoăn ấy trao đổi với ông Nguyễn Anh Ðạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì được biết: Dự án trùng tu tôn tạo Trung tâm Ðề kháng Him Lam được triển khai từ năm 2006 do Ban Quản lý di tích tỉnh Ðiện Biên (nay là Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh) làm chủ đầu tư. Ðến năm 2018 đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục và được bàn giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay (sau 14 năm triển khai trùng tu tôn tạo) một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành nên chưa thể đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch.

Trong bối cảnh tỉnh Ðiện Biên đã ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển du lịch; xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội, thì các cơ quan liên quan cần sớm có giải pháp phối hợp để Dự án Trùng tu, tôn tạo Trung tâm Ðề kháng Him Lam phát huy hiệu quả.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT