Tin tức - Sự kiện

Những cung bậc cảm xúc từ Liên hoan Văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk

Cập nhật: 23/12/2020 09:45:51
Số lần đọc: 666
Lần đầu tiên được tổ chức ở cấp tỉnh, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là Liên hoan) vừa diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua đã  thắp lên ngọn lửa đam mê, ý thức trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số.


Điệu múa xoang trong tiết mục Pơ pơ Ama Kau nao Amí của đoàn huyện Ea H'leo.

Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong xu thế hội nhập”, Liên hoan đã thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 15 đoàn của 15 huyện, thị xã và thành phố trong toàn tỉnh. Mỗi đoàn chỉ thể hiện chương trình trong thời lượng 20 phút, nhưng các tiết mục được đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng công phu và hầu hết đều đã khắc họa đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó có thể kể đến những tiết mục phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Lễ cúng sức khỏe (huyện Krông Ana); Lễ cưới của dân tộc M’nông Gar (huyện Lắk); Lễ kết nghĩa anh em (huyện Cư M’gar) hay tiết mục Cúng lúa mới của người M’nông Preh (huyện Buôn Đôn)…

Các nghệ nhân, diễn viên của các đoàn có gương mặt lạ mà quen. Họ quá quen thuộc với buôn làng, nơi có không gian cho họ được diễn xướng, được phục vụ bà con, nơi mà văn hóa cồng chiêng là hơi thở, là cuộc sống. Họ lạ trên sân khấu lớn, lần đầu tiên được mang nét tinh hoa của dân tộc mình để biểu diễn trước đông người. “Lúc mới lên sân khấu tôi run bắn, nhưng vượt qua được điều ấy, chính là hãnh diện về bản sắc văn hóa của dân tộc mình giúp tôi có thể hoàn thành tốt phần dự thi. Cũng nhờ tham gia liên hoan mà tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa, phải học hỏi, tự bồi dưỡng để phục vụ tốt hơn cho xã hội và lưu giữ vốn văn hóa truyền thống cho dân tộc”, chị H’Gning Byă, diễn viên đoàn huyện Cư M’gar tâm sự.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tiết mục tham dự liên hoan rất độc đáo và mang tính đặc trưng của dân tộc tại mỗi địa phương, đặc biệt là thể hiện được tính kế thừa khi mạnh dạn đưa các đội nghệ nhân trẻ tham gia trình diễn. Thật vậy, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng các em đã thể hiện tiết mục rất tự tin, diễn thành thục và chuẩn các nốt nhạc, được Hội đồng thẩm định Liên hoan ghi nhận, đánh giá cao, tiêu biểu như: Tiết mục hòa tấu chiêng Kram và múa phụ họa “Gọi về sum họp” của huyện Cư Kuin; Drông Yang – Gọi Yàng của huyện Krông Pắc; hay tiết mục “Mời rượu” của huyện Ea Kar… Đó cũng là cơ hội để tìm ra những nghệ nhân trẻ phát huy vai trò cộng đồng trong công tác bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa cồng chiêng, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh.

Cũng từ Liên hoan, các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy giá trị nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc. Bởi trong những tiết mục được trình diễn, có nhiều tiết mục được sáng tạo nằm trong khuôn khổ dân gian, khiến người xem hài lòng vì phương thức trình diễn và âm thanh mang hơi thở cuộc sống mới mà vẫn không xa rời truyền thống. Ông Vũ Bá Quỳnh, chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin huyện Buôn Đôn cho hay, vì lý do trên mà huyện Buôn Đôn mang đến liên hoan bài Chiêng cúng lúa mới của người dân tộc M’nông - một trong số 29 dân tộc sống trên địa bàn huyện, với thông điệp giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa của các dân tộc nói chung và dân tộc M’nông nói riêng.

Với những tiết mục đặc sắc mà các đoàn mang đến tại Liên hoan lần này, có thể khẳng định, Không gian Văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh đã và đang được lưu giữ, phát huy và trao truyền khắp các buôn, làng. Liên hoan cũng là dịp để thắp lên ngọn lửa đam mê, ý thức và trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ âm nhạc truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT