Non nước Việt Nam

Nghề vẽ sáp ong trên vải lanh Sủng Trái (Đồng Văn)

Cập nhật: 17/12/2019 09:34:36
Số lần đọc: 1251
Từ lâu, người Mông trên Cao nguyên đá đã được biết đến với nền văn hóa riêng vô cùng đặc sắc, tinh tế. Trong đó có một số nghề truyền thống nổi tiếng như: Thêu, dệt, nhuộm vải lanh; nghề chạm bạc, đúc lưỡi cày hay làm khèn… Vẽ họa tiết lên vải lanh bằng sáp ong cũng là một trong số những nghề truyền thống lâu đời của đồng bào nơi đây. Xã Sủng Trái (Đồng Văn) là nơi mà đến nay vẫn còn những nghệ nhân biết làm nghề, giữ được nghề không bị mai một theo thời gian.


Những họa tiết truyền thống được chị Sùng Thị Mua vẽ bằng sáp ong.

Theo các nghệ nhân trong xã, nghề vẽ họa tiết bằng sáp ong lên vải lanh xuất phát từ mong muốn có những tấm váy mang hoa văn, họa tiết bắt mắt hơn và cũng không mất quá nhiều thời gian để thêu, dệt; phụ nữ Mông đã bắt đầu thử dùng đủ các loại nguyên liệu để vẽ. Tuy nhiên, khi sử dụng sáp ong được đun nóng, các họa tiết rất bám vải và vô cùng tinh sảo, khi nhuộm chàm hay mang đi giặt đều không bị phai màu. Hơn nữa, sáp ong là nguyên liệu dễ tìm đối với bà con nơi đây. Váy được vẽ họa tiết bằng sáp ong đã từng được phụ nữ Mông vô cùng yêu thích. Họ còn sáng tạo ra rất nhiều họa tiết tinh sảo mà đến ngày nay vẫn được sử dụng trên các tấm vải lanh.

Là nghề truyền thống từ lâu đời, nhưng đến nay, tại xã Sủng Trái còn rất ít nghệ nhân biết vẽ họa tiết sáp ong và đều là các cụ già trên 60 tuổi; việc vẽ bị hạn chế nhiều do tuổi cao, mắt kém. Lo lắng nghề sẽ bị mai một, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn đã tổ chức lớp “Thêu dệt truyền thống”, mời nghệ nhân tới dạy cho chị em trong hội. Sau 1 tháng học tập, một số chị em đã thành thạo kỹ thuật vẽ các họa tiết và bắt đầu có sản phẩm được đánh giá cao. Để duy trì nghề và cũng tạo thêm công việc cho chị em lúc nông nhàn, sau khi kết thúc lớp học, tháng 9/2019, Tổ hợp tác (THT) “Vẽ sáp ong trên vải lanh và nhuộm chàm truyền thống xã Sủng Trái” được thành lập. Hiện, THT có 12 thành viên, trong đó có cả những chị em khiếm khuyết, khó khăn trong lao động như dị tật chân vẫn được tạo cơ hội tham gia để có thêm 1 phần thu nhập, được hòa nhập với cộng đồng và làm công việc mình yêu thích.

Được biết, một tấm vải lanh vẽ họa tiết sáp ong hoàn thiện cần trải qua 2 giai đoạn: Vẽ họa tiết và nhuộm chàm. Các thành viên phải học tất cả các họa tiết truyền thống trước khi bắt tay vào làm sản phẩm. Khi vẽ họa tiết, sáp ong được đun nóng rồi dùng bút đồng vẽ lên vải các họa tiết phù hợp; sau đó đem nhuộm chàm. Loại chàm duy nhất được sử dụng để nhuộm cho vải lanh sau khi vẽ sáp ong có màu xanh lục, rất nhã nhặn. Thông thường, các chị em trong tổ phải mất từ 4 – 6 ngày để hoàn thiện mỗi tấm vải lanh dài 6 – 8 m. Giá thành phẩm dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng và được HTX Lanh trắng Sà Phìn cung cấp nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Chị  Sùng Thị Mua, Tổ trưởng THT cho biết: Các chị em trước đây chỉ mới biết se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, rất ít người biết vẽ họa tiết bằng sáp ong. Sau khi tham gia lớp học và THT, chị em đã rất khéo léo và tự sáng tạo được các họa tiết đẹp, hiện đại bên cạnh họa tiết cổ truyền của đồng bào; phù hợp với yêu cầu về mẫu mã của sản phẩm. Nếu chăm chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, các thành viên trong tổ cũng có thể kiếm thêm từ 2 – 5 triệu đồng/tháng.

Chị Vàng Thị Súa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sủng Trái cho biết: Việc thành lập THT vừa giúp chị em có thêm thu nhập cũng là mong muốn gìn giữ lại nghề vẽ họa tiết trên vải lanh bằng sáp ong của đồng bào đang có nguy cơ bị mai một. Hiện nay, những sản phẩm của THT được HTX Lanh trắng Sà Phìn thu mua và may thành nhiều sản phẩm như: Vỏ gối, ví cầm tay… vô cùng tinh sảo và được du khách yêu thích. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho nhiều chị em cùng tham gia vào THT, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt thị hiếu của du du khách.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT