Non nước Việt Nam

Nghề gác kèo ong - Di sản Văn hóa phi vật thể của đất rừng U Minh hạ

Cập nhật: 14/01/2020 08:41:44
Số lần đọc: 1217
Nghề gác kèo ong của người dân ở vùng rừng U Minh Hạ (huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đây là nghề truyền thống rất đặc trưng của những hộ dân sống dưới tán rừng tràm, chính vụ hành nghề kéo dài từ đầu đến cuối mùa khô hằng năm. Để có được loại mật nổi tiếng cả nước như hiện nay, những thợ nghề nơi đất rừng U Minh Hạ phải đầu tư khá kỳ công.

Gác kèo ong (người dân địa phương quen gọi là “ăn ong”) là nghề cha truyền con nối của vùng đất rừng U Minh Hạ. Có những gia đình đã 4 - 5 đời hành nghề.

Đặc trưng trong hệ sinh thái của đất rừng U Minh hạ là cây tràm. Vào mùa khô, hoa tràm nở rộ, rất nhiều ong mật tìm về nơi đây. Người dân địa phương đã nghĩ ra phương pháp làm tổ để dẫn dụ ong trú ngụ và dần nó trở thành nghề của bà con.

Thành bại của nghề “gác kèo ong” nằm ở bước gác kèo. Nguyên lý cơ bản nhất của người hành nghề là: gác kèo phải ở nơi có cây sậy mọc và đặt kèo làm sao ánh nắng buổi sáng và buổi chiều đều chiếu được vào tổ.

Những gia đình có truyền thống làm nghề họ có bí quyết riêng, không bao giờ chia sẻ cho ai và chỉ con cái họ được “thụ hưởng mật truyền” đó.

Gác kèo ong là một “nghệ thuật”. Chính vì vậy, có những thợ giỏi nghề gác 10 cây kèo được đến 8 tổ ong, nhưng có những người gác 10 kèo chỉ được 2 - 3 tổ.

Việc khai thác mật cũng phải có nghề. Họ lấy gần như hết mật nhưng còn sáp phải chừa lại một phần ít nhất có thể để kích thích đàn ong đi lấy mật về nhưng phải đủ để chúng không bỏ đi.

Những hộ dân làm nghề truyền thống nơi đây không bao giờ giết hại ong. Bởi họ coi con ong như “thú cưng” gắn liền với cuộc sống của mình và khi khai thác mật mà giết chết 1 con ong thì sẽ bị cả tổ ong đánh.

Ong mật rất hung dữ nhưng là với những người lạ. Còn đối với những người đã gắn bó nhiều năm thì chúng như bị thuần phục. Khi lấy mật, họ không cần phải che chắn cũng không sao.

Nhiều năm trước, Cục Sở hữu Trí Tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” cho tỉnh Cà Mau. Giá trị mật ong từ đó ngày càng được nâng lên giúp những hộ dân hành nghề sống được với nghề.

Đặc biệt, vừa qua Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã tạo thêm động lực cho những người dân gắn bó với nghề có điều kiện phát triển./.

Nguồn: baocantho.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT