Non nước Việt Nam

Nghệ nhân ưu tú A Biu – “bảo tàng sống” văn hóa truyền thống Ba Na ở Kon Tum

Cập nhật: 17/12/2020 08:21:35
Số lần đọc: 987
Nghệ nhân ưu tú A Biu được ví như “bảo tàng sống” về văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na khi ông rất giỏi sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng, thuộc và kể rất nhiều bài sử thi, truyện cổ dân gian Ba Na.


Bộ chiêng quý Klang Brong được treo trang trọng giữa nhà.

Ở làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, ai cũng biết nghệ nhân ưu tú đa tài A Biu. Ông không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, thuộc và kể rất nhiều bài sử thi, truyện cổ dân gian Ba Na… mà còn hát rất hay và chơi được nhiều loại nhạc cụ hiện đại.

Và để lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na đến với mọi người, nghệ nhân ưu tú A Biu đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để du khách trong và ngoài nước có cơ hội trải nghiệm văn hóa Ba Na.

Đến với mô hình trải nghiệm văn hóa Ba Na của gia đình nghệ nhân ưu tú A Biu, nhiều du khách tỏ ra bất ngờ với những nhạc cụ dân tộc của người Ba Na, đó là những bộ chiêng quý vang lên âm thanh mời gọi, những chiếc đàn T’rưng với âm thanh réo rắt hay tiếng đàn Tinh Ninh ngọt ngào.

Từ trong nhà ra đến vườn, mỗi góc đều được nghệ nhân A Biu bố trí những loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt truyền thống của người Ba Na.

Ở gian giữa của ngôi nhà là nơi tập trung của các loại ghè, ché đựng rượu có tuổi đời lên đến trăm năm và một vài loại dụng cụ lao động. Ngoài sân là mô hình nhà Rông, cây nêu, thuyền độc mộc, cối giã gạo… tất cả như thôi thúc đôi chân du khách bước đi thật nhiều để tìm hiểu, ngắm nhìn và biết nhiều hơn về người Ba Na, văn hóa Ba Na.

Chỉ một mảnh vườn nhỏ, 1 căn nhà xinh xắn với những cây, hoa, đồ dùng cũ kĩ mang dậm dấu ấn truyền thống của người Ba Na đã mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.

Với nghệ nhân ưu tú A Biu, làm du lịch còn là niềm vui, niềm hạnh phúc, đam mê: “Hạnh phúc của chú là khi mọi người, đặc biệt là lớp trẻ đánh được cồng, chiêng. Mình có tuổi rồi, cũng chẳng có cơ hội được đi du lịch đây đó, nên giờ có khuôn viên này rồi, ví dụ có vui buồn gì thì mình cứ đi lòng vòng... có rừng, có thác, có suối, có người qua lại, vui lắm. Mình làm cái này, anh em bạn bè ai cũng đều ủng hộ hết”.

Niềm đam mê của nghệ nhân A Biu không chỉ mang lại hạnh phúc cho chính ông mà còn lan tỏa đến những người xung quanh. Những buổi xế chiều rảnh rỗi, con cháu tập trung đông đủ, nghệ nhân A Biu lại tập cho các con, các cháu đánh cồng chiêng, múa xoang. Khi đã thành thạo thì cha con, ông cháu lại cùng nhau hòa tấu.

Nếu hình ảnh Nghệ nhân ưu tú A Biu bên dàn cồng chiêng là một con người đầy năng lượng, nhiệt huyết thì các loại nhạc cụ hiện đại cũng không thể làm khó ông. Hình ảnh ông bên cây đàn ghi ta vừa đàn vừa hát mang lại cho mọi người cảm giác như được nghe một chàng lãng tử kể về những câu chuyện từ núi rừng đại ngàn cho đến tình yêu đôi lứa đẹp đẽ.

Bằng tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na cùng mong muốn cháy bỏng bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc mình ngay trong cuộc sống đời thường, nghệ nhân ưu tú A Biu luôn cố gắng mang văn hóa Ba Na đến gần hơn với con cháu trong nhà, đồng bào trong buôn làng và cả du khách phương xa.

Và sẽ không quá khi ví ông như một “bảo tàng sống” về văn hóa của người Ba Na./.

 

 

 

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT