Hoạt động của ngành

Nghề cốm Mễ Trì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 01/04/2019 15:08:42
Số lần đọc: 1513
Tối 29/3, Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề cốm Mễ Trì và Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Linh Quang diễn ra tại khu dự án Vườn Cam, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề Cốm Mễ Trì cho đại diện quận Nam Từ Liêm (Ảnh: HN)

 

 

Làng cốm Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) có tuổi thọ hơn một thế kỷ. Hiện nay, làng còn hơn 50 hộ gia đình gắn bó với nghề. Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng. Trong năm có hai mùa làm cốm, cốm vụ chiêm và cốm vụ mùa. Cốm vụ mùa vào thời điểm tiết trời thu se lạnh. Đây cũng chính là vụ mà vị cốm ngọt thanh, thơm và ngon hơn hẳn.

Người làm cốm đem thóc non về và tuốt ra lựa bỏ hạt lép, những hạt còn lại được mang vào bếp rang từ 1,5 – 2 tiếng đồng hồ. Quá trình rang phải đảo đều thóc. Lò rang cốm phải đắp bằng xỉ than và đun bằng củi. Chảo rang bằng gang đúc mới đảm bảo khi rang thóc sẽ chín đều. Điểm khác biệt so với cốm làng Vòng là cốm Mễ Trì làm bằng lúa chiêm nên hạt cốm mỏng, dẻo và rất thơm – đây chính là yếu tố tạo nên đặc trưng của cốm Mễ Trì.

Ngày nay, nghề cốm Mễ Trì đang phát triển mạnh mẽ và có những thay đổi vượt bậc đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa của Mễ Trì. Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề cốm Mễ Trì đứng trước những thuận lợi, cơ hội mới nhưng cũng có rất nhiều những thách thức, khó khăn trong công tác bảo tồn và phát triển.

Việc công nhận nghề cốm Mễ Trì là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Linh Quang cho thấy giá trị của những di sản này trong văn hóa và ẩm thực của Thủ đô Hà Nội./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục