Non nước Việt Nam

Món cá linh, quà của mùa nước nổi

Cập nhật: 29/09/2022 08:53:09
Số lần đọc: 575
Người dân An Giang kể, vào mùa nước nổi, nước từ thượng nguồn sông Mekong không chỉ mang phù sa cho các cánh đồng miền Tây Nam Bộ, còn mang đến cho vùng đất này nhiều sản vật thiên nhiên quý. Cá linh là món quà của thiên nhiên dành tặng vùng đất “Chín Rồng” trong mùa nước nổi. Từ cá linh, người dân nơi đây có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.


An Giang vào mùa nước nổi. Ảnh: Internet

Mùa nước đổ về trắng xóa các cánh đồng ở An Giang bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, rơi vào tầm tháng 8 đến tháng 11 dương lịch, cũng là mùa cá linh về theo con nước nổi để tìm nơi đẻ trứng. Trên thủy trình ấy, cá linh vừa bơi theo con nước, vừa tìm thức ăn có trong nước để phát triển, rồi sinh sản. Đầu mùa nước nổi, cá linh chỉ bé bằng đầu đũa ăn cơm. Ăn cá linh ở thời điểm này là ngon nhất, vì cá còn non nên xương mềm, chất thịt ngọt, béo và thơm. Người dân An Giang thường đem cá linh non kho tiêu để ăn với cơm. Vị ngọt sữa của cá linh, cộng thêm chất thịt béo ngậy, quyện với vị đậm đà của nước mắm, vị cay cay của hạt tiêu khiến món ăn này vô cùng hấp dẫn và cực kỳ tốn cơm. Tới giữa tháng 8 âm lịch, cá linh đã lớn bằng cỡ ngón tay, người dân An Giang lại đem cá linh chế biến thành món canh chua kèm bông điên điển. Món canh chua cá linh nhúng bông điên điển và một số loại rau đồng mùa nước nổi như kèo nèo, bông súng, so đũa, rau muống... trở thành đặc sản của miền Tây sông nước. Chính vị ngọt, mềm của thịt cá linh, cùng vị chua thanh của me dầm, vị thơm của ngò gai, vị nhẩn đắng của bông điên điển, vị mặn mặn, cay cay của nước mắm ớt làm cho món canh chua cá linh bông điên điển càng thêm đặc sắc, góp phần níu chân thực khách lưu lại với An Giang.

Lẩu cá linh cùng với bông điên điển là một đặc sản không thể bỏ qua.

Cá linh to cỡ ngón tay còn được người dân nơi đây đem tẩm bột và chiên giòn để ăn cơm. Bên mâm cơm gia đình, trong căn chòi bộn gió trên sông, cả nhà quây quần bên nhau, rộn rã tiếng nói cười, miếng cá giòn tan cùng ly rượu trắng như hâm nóng bầu không khí sum họp giữa khung cảnh thiên nhiên mộc mạc của quê hương. Tới cuối tháng 11 âm lịch, nước lũ bấy giờ cũng rút dần, cá linh cũng bắt đầu già, thân cá có nhiều xương, vảy cá cũng trở nên cứng. Tuy vậy, thịt cá linh vẫn ngọt. Nhiều gia đình ở An Giang vẫn chiên giòn cá linh để ăn cơm. Cũng có người tính chuyện tích trữ cá linh để ủ mắm ăn dần. Nước mắm ủ từ cá linh có màu đỏ quế, trông rất bắt mắt, đặc biệt vị rất thơm ngon. Người dân An Giang chia sẻ rằng, ở từng giai đoạn sinh trưởng của cá linh sẽ có một hoặc nhiều món ăn tương ứng chế biến từ loại cá này. Giai đoạn cá linh còn non thì có món cá linh kho tiêu, mắm kho cá linh, cá linh kho nước dừa, cá linh nhúng dấm... Giai đoạn cá linh lớn thêm chút đỉnh thì có canh chua cá linh kèm bông điên điển, cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh nướng... Giai đoạn cá linh già có món cá linh chiên giòn, hoặc ủ cá linh thành nước mắm... Cá linh đầu mùa hay cá linh cuối mùa, chế biến cách này hay cách khác, cũng ngon và hấp dẫn, khiến cho thực khách phương xa dù chỉ một lần ăn cũng phải xuýt xoa nhớ mãi, và cả những người con của châu thổ sông Cửu Long cũng nao nao đón đợi mùa cá linh về theo cơn lũ.

Trịnh Chu

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 29/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT