Non nước Việt Nam

Làng Buôn Go – Cát Tiên nơi lưu giữ văn hóa dân tộc Mạ

Cập nhật: 17/06/2020 10:54:05
Số lần đọc: 1445
Buôn Go thuộc thị trấn Cát Tiên, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của cư dân dân tộc Mạ. Để bảo tồn và phát huy, tháng 7 năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Dự án xây dựng thôn dân tộc thiểu số Buôn Go trở thành “Làng kiểu mẫu” (Quyết định 2077). Sau 13 năm, mô hình hiện hữu như thế nào?

 


Người dân bản Buôn Go thể hiện văn hóa cồng chiêng đặc sắc tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2019

Nhiều thành quả vui

Buôn Go, tiếng Mạ là “Bon Gòr”, trong đó “bon” được hiểu nghĩa tương đương như buôn/làng/thôn/bản/phum/sóc… Từ xưa, Bon Gòr bao gồm cư dân các bon như Bon Gòr, Bon Puơr, Bon Pang và Bon Phe Kuơt. Bây giờ, tại các văn bản hành chính chính thức của Nhà nước, Bon Gòr là địa danh “bản Buôn Go”, thuộc thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, với 66 hộ dân, 218 người, cư trú trên tổng diện tích đất 4,6 hecta. Bản có nhà sinh hoạt cộng đồng hơn 2.900 m2 và 52 căn nhà được xây dựng bằng nguồn vốn dự án từ Nhà nước. Cùng đó, là sự đầu tư hàng chục tỷ đồng của Nhà nước xây dựng các hạng mục hệ thống giao thông, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học, tường rào… Người dân Buôn Go chủ yếu canh tác cây điều, tại khu vực 393 xã Tư Nghĩa cũ với hơn 320 hecta (trong số 231 hecta đã kinh doanh có 83 hecta đã chuyển đổi sang giống ghép cao sản); năng suất bình quân 6 tạ/ha, sản lượng 127 tấn và gần 11 hecta lúa với 30 hộ, trồng trong 2 vụ/năm, năng suất bình quân 5,5 tạ/ha, sản lượng gần 119 tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm; lương thực bình quân đầu người cuối năm 2019 đạt 274 kg/năm. Số liệu mới nhất, tháng 6/2020, số hộ nghèo trong Buôn Go còn 3 hộ với 7 nhân khẩu, chiếm hơn 3% và hộ cận nghèo còn 2 hộ với 11 nhân khẩu, chiếm 4,55%. (Năm 2015, bản có 18 hộ nghèo với 55 nhân khẩu, chiếm 25,39%; cận nghèo tuy vẫn là 2 hộ nhưng số nhân khẩu tăng lên 11 người). 

Về giáo dục, năm học 2019-2020 này, bản có 8 học sinh (HS) THPT, 18 HS THCS, 28 HS tiểu học, 10 cháu mầm non và 4 sinh viên đại học, cao đẳng. Đã có 5 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang làm tại các cơ quan trong huyện ở lĩnh vực công an, giáo viên và văn hóa. Qua 2 lớp đào tạo, đã có 50 học viên được tập huấn kỹ năng trồng và chăm sóc cây điều; 30 lao động có tay nghề về dệt thổ cẩm làm tại hợp tác xã trong bản. Những kết quả này là tổng hợp từ sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, ý thức nâng cao dân trí của người dân. Ở lĩnh vực văn hóa, Buôn Go thường xuyên duy trì các lễ hội của người Mạ, đặc biệt là cồng chiêng đã có trên 30 người được truyền dạy, và các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, ủ rượu cần… Nhiều hủ tục đã dần dần hủy bỏ như tổ chức ma chay thời gian kéo dài, phúng điếu bằng thịt sống, hôn nhân cận huyết thống,… Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đã đạt 93,94%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 76% (bản không còn là địa bàn được hưởng chính sách cấp thẻ miễn phí). 100% hộ đều sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia. Hệ thống chính trị ở bản hiện có bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, 1 tổ đội trưởng và 1 công an viên, các chi hội đoàn thể như Người cao tuổi 9 người; Cựu chiến binh 16 hội viên; Nông dân 45 hội viên; Phụ nữ 33 hội viên; Chữ thập đỏ 56 hội viên và Đoàn Thanh niên 15 đoàn viên.

Những mục tiêu tiếp theo

Hiện nay, bản Buôn Go còn một số khó khăn, tồn tại như 9 hộ đang thiếu đất ở, 13 hộ thiếu đất sản xuất do mới xây dựng gia đình tách ở riêng, hoặc từ địa phương khác quay về hoặc già yếu. Bản có 2 em Bùi Thị Vân, Điểu K’Mởn đã tốt nghiệp đại học, em Điểu Thị Lộc tốt nghiệp cao đẳng và em Điểu Thị Xuyên tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có việc làm. Tuy nguồn nước sạch từ Nhà máy Gềnh Đá đã đến từng hộ dân nhưng lượng nước chưa thể đáp ứng nên bà con còn phải sử dụng nước mưa và nước từ giếng. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Cát Tiên cho biết: Mục tiêu đến năm 2025 của bản Buôn Go là phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm; không còn hộ nghèo và cận nghèo; 100% hộ được cấp đất sản xuất và đất ở theo quy định; 90% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nhà máy và 90% hộ dân có thẻ BHYT. 

Vì vậy, UBND huyện Cát Tiên đã đề ra một số nhiệm vụ và giải  pháp thời gian tới bao gồm: Tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây điều và ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2022 đạt 2 tấn/ha; áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng giá trị lúa trên đơn vị diện tích. Đồng thời, duy trì các hoạt động lễ hội cồng chiêng dân tộc Mạ; phát triển, khôi phục làng nghề rượu cần, dệt thổ cẩm; đầu tư hỗ trợ xóa nhà tạm; tuyên truyền, vận động người dân mua BHYT đạt 90% trở lên… Trong dịp cuối tháng 5 vừa rồi, UBND huyện Cát Tiên đã khảo sát tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của bản Buôn Go do Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các phòng, ban của huyện và hệ thống chính trị của thị trấn. Ông Nguyễn Hoàng Phúc đã chỉ đạo nhiều nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị liên quan. Đó là, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo đúng quy định; khắc phục hệ thống thoát nước; khẩn trương hoàn thiện xây dựng tường hàng rào, đường nội bộ và các hạng mục còn lại của dự án. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND thị trấn hướng dẫn bà con phát triển sản xuất; xây dựng mô hình trồng cây sầu riêng theo đề nghị của Bí thư Chi bộ bản Buôn Go Điểu K’Giá…Chúng tôi cũng trực tiếp gặp Trưởng bản Buôn Go Điểu K’Dũng, anh cho biết: “Với chủ trương xây dựng làng kiểu mẫu là rất đúng, nhưng khó nhất ở đây là khâu vận động bà con thực hiện mô hình, một số vẫn chưa chấp hành tốt”. Vâng, phải đồng thuận cao nhất, quyết tâm nhất, từ các cơ quan, đơn vị liên quan của cấp huyện, thị trấn và toàn cộng đồng người dân Mạ của bản Buôn Go thì “làng kiểu mẫu” mới hiện thực một cách sinh động sớm nhất. /.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT