Non nước Việt Nam

Pa điền xang, chiếc mâm lễ nghĩa của người Bru-Vân Kiều

Cập nhật: 18/06/2020 08:06:33
Số lần đọc: 767
Với các sản phẩm mây tre đan được thể hiện bằng những hoa văn bình dị cùng đường nét, màu sắc tinh tế, người Bru-Vân Kiều đã tạo ra được dấu ấn văn hóa riêng biệt từ nghề mây tre đan truyền thống. Sản phẩm người Bru-Vân Kiều đan từ mây tre chủng loại không nhiều nhưng đó luôn là những công cụ phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu sinh hoạt của đồng bào. Một trong những dụng cụ tiêu biểu cho sự thông dụng và đa năng ấy chính là pa điền xang, chiếc mâm truyền thống của người Bru-Vân Kiều.

Đan gùi, rổ, rá, trúm, mẹt, sàng... thì chỉ cần quen nghề là có thể tự mình hoàn thiện một sản phẩn, riêng đan pa điền xang cần nhiều thời gian và kỳ công thì phải là người đan lát giỏi. Tùy theo dụng ý sử dụng để đồng bào đặt làm những chiếc mâm to hay nhỏ cũng như bố trí mức độ nông sâu của bề mặt chiếc mâm cho phù hợp.

Nguyên liệu để làm mâm được đồng bào lựa chọn tương đối kỹ càng. Tre nứa không quá già, sẽ bị giòn, dễ gãy hoặc quá non, nan đan sẽ bị teo lại. Cây mây cũng vậy, phải thẳng, tròn đều, không sâu bệnh, tránh lấy cây non hoặc già quá. Bởi thế, khai thác đủ mây tre để đan một chiếc mâm có khi mất cả tuần đi rừng. Sau khi mang mây tre về nhà, người đan mâm tiến hành chẻ ra luôn tránh việc khi khô đi sẽ khó vót. Các nan tre được vót đều nhau, trước khi đan sẽ được ngâm qua nước để tăng độ dẻo và dễ dàng uốn nắn.

Nan tre chẻ để đan mâm là hai loại nan xương và nan thường. Nan thường chỉ cần đều đặn, dẻo dai, còn nan xương sẽ là bộ khung của tấm đan nên phải to bản và cứng cáp. Pa điền xang có phần đáy và phần thân tách biệt nên khi đan, người đan phải thật khéo léo bẻ góc, uốn cong nan xương cũng như tạo hoa văn cho từng phần. Phần thân mâm được đan lóng đôi, khi đan xong sẽ thấy nan dọc, nan kép dính chéo vào nhau một cách kín kẽ. 

Còn phần đáy thì sử dụng kỹ thuật đan lồng bao gồm các nan ngang, nan chéo cắm chồng lên nhau tạo thành những hoa văn hình thoi đều tắp. Để hoàn thiện pa điền xang, nghệ nhân luồn những nan tre được chừa dài ra có chủ đích ở phần đỉnh đáy vào đuôi của thân mâm rồi dùng dây mây nức lại với nhau. Đế và quanh vành miệng mâm cũng được nức lại kín kẽ và đều đặn làm nổi lên những gân mây rõ nét và sống động.

Người Bru-Vân Kiều ít khi dùng phẩm màu để nhuộn nan, đổi lại, họ tận dụng tối đa màu xanh của bề mặt nan cật giúp lấy được màu nguyên bản cũng như giữ được độ bền chắc dài lâu cho sản phẩm. Sau khi đan xong, người ta mang mâm gác trên giàn bếp một thời gian để khói và bồ hóng bám dính vào sản phẩm, khi đó màu cật tre sẽ chuyển sang màu nâu đậm, càng làm cho đường nét hoa văn của pa điền xang nổi bật và tinh tế hơn.

Pa điền xang được sử dụng để bày thức ăn trong bữa cơm, bày mâm cỗ trong các dịp lễ hội, đặc biệt hơn hết là bày sính lễ trong ngày cưới của người Bru-Vân Kiều. Trong ngày cưới, lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái nhất thiết phải có chiếc nồi đồng, thanh kiếm và thỏi bạc nén được chưng trên pa điền xang. Sau nghi thức trao sính lễ của nhà trai cho nhà gái thì đôi nam thanh nữ tú được mọi người xác tín thành vợ thành chồng.

Ngày trước, đan hoàn chỉnh một chiếc mâm tre là cách để các chàng trai Bru-Vân Kiều thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các cô gái đến tuổi cập kê. Thế nhưng, hiện nay các chàng trai trẻ người Bru-Vân Kiều đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa hay kim loại giá rẻ như rá, rổ, xô, chậu và cả chiếc mâm... phù hợp với đời sống hiện đại cũng là lý do chính yếu làm nghề đan lát của đồng bào dần bị mai một.

Thiết nghĩ, các ban, ngành liên quan cần sớm có những chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo này của người Bru-Vân Kiều. Bởi, đối với người Bru-Vân Kiều, pa điền xang chính là chiếc mâm của lễ nghĩa, giúp đồng bào định mức được những giá trị văn hóa cốt lõi do ông cha truyền đời. Bằng việc sáng tạo và khéo léo để tạo ra những chiếc mâm tre truyền thống, người Bru-Vân Kiều sẽ còn lan tỏa nét đẹp văn hóa riêng có ấy đến với bà con các dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ./.

Nguồn: Báo Quảng Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT